(kontumtv.vn) – Năm 2015 đi qua với bao khó khăn, thách thức, nhưng kinh tế – xã hội của huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum) vẫn tăng tưởng ở mức khá, đời sống nhân dân ổn định. Đây là nền tảng để Đăk Tô tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới.

Sự đổi thay và phát triển dễ nhận thấy nhất tại huyện Đăk Tô trong năm 2015 đó là việc đô thị hóa tại khu vực trung tâm huyện lỵ. Trục đường chính qua trung tâm huyện dài hơn 3 km từ khu Tượng đài Chiến thắng Đăk Tô Tân Cảnh đến ngã ba vào xã Pô Kô đã có nhiều cơ sở thương mại, dịch vụ khang trang được hình thành. Nhiều tuyến đường nội thị được nhựa hóa, bê tông hóa, đã giúp cho đô thị Đăk Tô không những được nâng cấp mở rộng theo hướng Bắc – Nam, mà còn phát triển theo chiều Đông – Tây, đáp ứng ngày càng tốt hơn vai trò của một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của huyện.

Thị trấn Đăk Tô
Thị trấn Đăk Tô

Đô thị phát triển, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy công nghiệp, thương mại, dịch vụ, cơ sở sản xuất, chế biến trên địa bàn huyện phát triển. Năm 2015, tổng giá trị sản xuất công nghiệp của Đăk Tô đạt trên 560 tỉ đồng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu từ các dịch vụ xã hội đạt 451 tỉ  đồng. Về lĩnh vực nông nghiệp, huyện Đăk Tô vượt qua khó khăn, thách thức để gặt hái được những thành quả cao. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn huyện gần 8.200 ha, đạt trên 100% kế hoạch. Sản lượng lương thực có hạt ước đạt gần 7.000 tấn. Tổng diện tích cây lâu năm gần 9.700 ha,. Trong đó, cà phê trên 1.500 ha, đạt hơn 112 % kế hoạch; cây cao su hơn 7.800 ha, đạt gần 98% kế hoạch. Sự khởi sắc này đã giúp Đăk Tô đạt được kết quả đáng phấn khởi trong năm 2015: Tăng trưởng kinh tế đạt trên 13%, tổng sản phẩm bình quân trên đạt 32 triệu đồng/người/năm. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trên 88 tỉ đồng, đạt  hơn 103% dự toán tỉnh giao. Tỉ lệ hộ nghèo giảm từ gần 14% xuống còn 11%. Có được kết quả này chính nhờ cấp ủy và chính quyền huyện  có những  chỉ đạo, lãnh đạo đúng đắn và phù hợp. Ông Cao Trung Tin, Chủ tịch UBND huyện Đăk Tô nói: “Từ cuối năm 2015, UBND huyện đã chỉ đạo rà soát tất cả các mục tiêu chưa thực hiện được, còn thấp để tập trung xây dựng các giải pháp trình cấp ủy, HĐND cho ý kiến triển khai thực hiện. Sau đó UBND huyện ban hành chương trình công tác trọng tâm, trong đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và trong quá trình thực hiện thì thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc thực hiện đạt mục tiêu đề ra trong năm 2015”.

Đến nay, 100% thôn làng huyện Đăk Tô có đường ô tô thông suốt trong 2 mùa, trong đó trên 86% đã được nhựa hóa. 100% số hộ được dùng điện lưới quốc gia. Trên 90% số hộ được dùng nước sạch. Tất cả 9 xã, thị trấn có trường học mần non, tiểu học, trung học cơ sở; có trạm y tế được xây dựng kiên cố. Đặc biệt, có 2 xã là Diên Bình và Tân Cảnh đạt chuẩn nông thôn mới. Có được kết quả này là nhờ huyện đã tận dụng tốt nguồn đầu tư của Trung ương, của tỉnh. Đặc biệt, huyện đã phát huy tốt nội lực trong nhân dân. Điển hình như phong trào toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới tại thôn Đăk Ri Peng 1, xã Tân Cảnh. Bà con đã đóng góp ngày công, đất đai, kinh phí để xây dựng các thiết chế văn hóa và công trình dân sinh, góp phần đưa xã Tân Cảnh sớm đạt chuẩn nông thôn mới.Ông A Ai, Thôn trưởng Thôn Đăk Ri Peng 1, xã Tân Cảnh nói: “Thực hiện xây dựng nông thôn mới, Đăk Ri Peng 1 mỗi hộ đóng góp 500.000 đồng làm nhà rông, làm đường bê tông, mỗi nhà phải tự làm hàng rào rồi làm hố rác, ai cũng làm hết”.

Tình hình kinh tế – xã hội tại các xã đặc biệt khó khăn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Sự đổi thay tại xã Ngọc Tụ là minh chứng. Từ một xã thuần nông với cây trồng chủ đạo là cây mì, cây lúa rẫy, đến cuối năm 2015, Ngọc Tụ đảm bảo được an ninh lượng thực với bình quân 263kg/người. Diện tích cây công nghiệp, cây lâu năm của xã tăng đáng kể. Trong đó, diện tích cây cao su đạt trên 350 ha, cà phê, bời lời gần 250 ha. Tỉ lệ hộ nghèo tại Ngọc Tụ từ trên 30% năm 2014 giảm xuống còn trên 25%. Ông Huỳnh Hữu Phước, Chủ tịch UBND Xã Ngọc Tụ cho biết: “Tôi tin chắc rằng trong thời gian đến, những hộ nghèo được sự hỗ trợ của Nhà nước sẽ nỗ lực phấn đấu, phát huy nội lực, sẽ thoát nghèo bền vững, đạt theo kế hoạch, chương trình nghị quyết Đảng bộ các cấp đề ra”.

Sự đổi thay tại Đăk Tô không chỉ dừng lại ở sự  phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn mà còn thể hiện rõ nét trong việc nâng cao nhận thức, phát triển kinh tế từng hộ gia đình, đặc biệt là ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Gia đình anh A Thắng và chị Y Hà (thôn Đăk Năng, xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô), từ chỗ là hộ nghèo, anh chị đã tận dụng tốt nguồn hỗ trợ của Đảng, Nhà nước để vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ có thu nhập khá. Anh Thắng chia sẻ: “Ngày xưa nhà tôi cũng có sổ hộ nghèo, bây giờ thoát nghèo rồi.Thoát nghèo là nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm đến gia đình chúng tôi, cấp giống cá phê, cao su, gia đình tôi chịu khó làm ăn, trong 1 năm thu nhập 300 triệu đồng”.

Kết quả đạt được trong phát triển kinh tế- xã hội của huyện Đăk Tô trong năm 2015 là cơ sở thuận lợi để Đăk Tô bước vào giai đoạn phát triển mới. Ông Cao Trung Tin cho biết: “Huyện xác định 1 số nội dung cần chú trọng tạo sự chuyển biến trong năm 2016 đó là đảm bảo năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Trong công nghiệp thì tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư của các doanh nghiệp, thu hút đầu tư, tạo điều kiện để triển khai tốt các dự án đầu tư trên địa bàn. Thứ ba là tập trung xây dựng nông thôn mới”.

Đây là nền tảng để Đăk Tô bước vào thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển kinh tê – xã hội năm 2016, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum và Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 – 2020.

                                                                             Văn Hiển – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *