(kontumtv.vn) – Trên cơ sở những kết quả đạt được trong việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), năm 2020, huyện Đăk Tô (Kon Tum) đã định hướng phát triển thêm một số sản phẩm có lợi thế của địa phương để nâng cao giá trị hàng hóa nông sản, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.

Theo kế hoạch số 62, ngày 26/7/2019 của UBND huyện Đăk Tô về việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn huyện, đến năm 2020 huyện sẽ xây dựng và phát triển cơ bản hoàn thiện 03 sản phẩm nông nghiệp tại các xã, thị trấn, gồm: Trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến cà phê sạch Đăk Tô của Hợp tác xã Nông nghiệp, Dịch vụ và Thương mại Rạng Đông; cá nước ngọt tại xã Diên Bình, Pô Cô và phát triển chanh dây theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm tại xã Tân Cảnh, Diên Bình, Kon Đào. Phấn đấu công nhận từ 01 sản phẩm trở lên đạt từ 3 đến 5 sao cấp huyện. Phấn đấu mỗi xã, thị trấn có ít nhất 01 sản phẩm được định hướng phát triển, sản xuất theo Chương trình OCOP giai đoạn 2021 – 2025.

Giới thiệu sản phẩm COCP
Giới thiệu sản phẩm OCOP

Bên cạnh đó, trên cơ sở những đề xuất của các xã, thị trấn, năm 2020 huyện Đăk Tô đã xác định thêm những sản phẩm nông nghiệp tiềm năng của huyện có thể phát triển thành sản phẩm OCOP như: Nấm ăn, nấm dược liệu của xã Diên Bình; cây ăn quả sản xuất theo hướng hữu cơ sinh học; chuối xuất khẩu; heo rừng nuôi của các xã Kon Đào, Văn Lem, Đăk Rơ Nga; rau ăn lá, củ quả các loại của thị trấn Đăk Tô; rượu cây đót của Đăk Rơ Nga; cây dược liệu tại xã Văn Lem; nếp cái hoa vàng tại xã Ngọc Tụ…

Về sản phẩm cây ăn quả sản xuất theo hướng hữu cơ sinh học, huyện đã chọn mô hình của ông Nguyễn Xuân Đại ở thôn 1, xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô để định hướng phát triển. Hiện ông Nguyễn Xuân Đại đã trồng được 5 ha cây ăn trái, gồm sầu riêng, bơ, mít, quýt, na Thái và chanh dây. Trong đó có bơ, quýt và chanh dây đã cho thu hoạch. Với việc tuân thủ theo đúng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ sinh học nên các loại cây ăn trái đã sinh trưởng và phát triển tốt, sản phẩm cho giá trị kinh tế cao hơn so với lối canh tác truyền thống. Ông Nguyễn Xuân Đại nói: “Về hữu cơ sinh học khác với trồng hóa học là cái khâu xử lý đất kỹ hơn, hai nữa là trước khi trồng là mình đã nuôi cấy các loại vi chuẩn nấm có lợi xuống đất rồi, cây trồng phun định kỳ hằng tháng để làm sao duy trì các loại nấm có lợi để làm sao nó khống chế được các loại bệnh tật của cây, nên lợi ích về sức khỏe đầu tiên. Về lợi ích thương mại thì sau này nhu cầu của bà con và xã hội sẽ hướng tới là thân thiện, trái cây an toàn, với giá bán ra sẽ đắt hơn gần gấp đôi, có thời kỳ gấp ba so với làm hóa học”.

Được sự hỗ trợ của huyện, 3 thành viên của Tổ hợp tác chuỗi liên kết trồng chuối xuất khẩu xã Diên Bình đã đầu tư hơn 1,7 tỷ đồng để trồng 10 ha chuối tiêu hồng. Sau hơn 6 tháng chăm sóc theo hướng hữu cơ sinh học, vườn chuối đã bắt đầu cho trái. Điều đáng mừng là Tổ hợp tác chuỗi liên kết trồng chuối xuất khẩu xã Diên Bình đã liên kết với Công ty Kotinotri tại Thành phố Hồ Chí Minh bao tiêu sản phẩm và huyện đã định hướng để phát triển sản phẩm theo chương trình OCOP.

Được thành lập từ năm 2017, với 10 hộ gia đình tham gia, Tổ liên kết trồng và tiêu thụ rau an toàn ở khối 1, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô đã phát triển được khoảng 2 ha rau các loại. Từ khi tham gia Tổ liên kết, các thành viên trong tổ đã thống nhất phân công mỗi gia đình canh tác mỗi loại rau khác nhau để thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm; nhờ đó, thu nhập của các hộ gia đình đã có sự cải thiện đáng kể. Năm 2020, sản phẩm rau an toàn của Tổ liên kết được huyện định hướng để phát triển thành sản phẩm OCOP, người trồng rau đồng tình hưởng ứng. Ông Nguyễn Duy Vui, thành viển trong tổ nói: “Tham gia tổ liên kết này thì nó đem lại lợi cho gia đình như trước kia mọi nhà trồng nó trùng nhau nhiều đâm ra cái đầu ra khó, tiêu thụ khó, nhưng sau khi có điều tiết của tổ thì nhà này trồng thứ này, nhà kia trồng thứ khác, thế là lúc tiêu thụ đầu ra dễ hơn. Với lại hỗ trợ để đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, tổ làm rau đã theo quy trình, tức là rau an toàn để đầu ra nó thuận lợi hơn”.

Triển khai thực hiện chương trình OCOP, xã Kon Đào, huyện Đăk Tô đã định hướng cho các hộ dân nuôi heo rừng phát triển thành sản phẩm đặc trưng của xã. Hiện nay, toàn xã có 11 hộ nuôi heo, với tổng lượng đàn trên 160 con. Xã cũng xác định đây là mô hình hiệu quả để giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững; triển khai chương trình xã sẽ hỗ trợ con giống cho các hộ trong thời gian tới. Ông Dương Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Kon Đào cho biết: “Định hướng này đối với địa phương thì cũng thấy đây là điều kiện, thế mạnh, hiện nay xã cũng đang mô hình giảm nghèo bền vững đây cũng đưa vào nội dung này tổng cộng 14 hộ, hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo để xóa đói giảm bền vững. Xã cũng đã triển khai nội dung này và đồng thời quan tâm sau này tạo điều kiện sản phẩm OCOP mỗi địa phương một sản phẩm thì hiện cấp ủy, chính quyền đang quan tâm”.

Định hướng đã có và chính quyền địa phương, người dân đang nỗ lực để phát triển, sản xuất các sản phẩm theo chương trình OCOP. Tuy nhiên, để các sản phẩm đạt được chứng nhận OCOP thì cần cả một quá trình, vì lâu nay người dân cũng chỉ quen với việc sản xuất truyền thống, việc tuân thủ quy trình theo tiêu chuẩn của chương trình OCOP còn khá mới mẻ. Ông Tưởng Văn Khanh, Phó Phòng NN&PTNT huyện Đăk Tô nói: “Tập trung chủ yếu là xuống trực tiếp hướng dẫn cho các chủ thể để nắm được quy trình và các yêu cầu của hồ sơ tham gia OCOP để chủ động triển khai thực hiện theo đúng quy định. Nếu như các sản phẩm này chủ yếu các chủ thể họ chủ đạo là chính, chủ động triển khai thực hiện theo phương án mà phát triển sản phẩm đã phê duyệt. Trên cơ sở đó nếu sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên thì phòng sẽ tham mưu cho UBND huyện hỗ trợ theo đúng quy định, như hỗ trợ về máy móc, thiết bị chế biến, hỗ trợ xúc tiến thương mại”.

Năm 2019, huyện Đăk Tô đã bố trí nguồn kinh phí 500 triệu đồng và năm 2020 này huyện bố trí 1 tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân phát triển, xây dựng sản phẩm OCOP. Đồng thời, huyện sẽ tổ chức quy hoạch và phát triển vùng sản xuất nông nghiệp theo chứng nhận cho 02 sản phẩm thực phẩm và đồ uống; hỗ trợ thông tin, quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP…

Với sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền huyện Đăk Tô, tin rằng chương trình OCOP sẽ được triển khai thực hiện có hiệu quả trong năm 2020, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân và thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Ngọc Chí – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *