(kontumtv.vn) – Ngoài việc có lợi thế về phát triển các loại cây công nghiệp, huyện biên giới Ia H’Drai (Kon Tum) còn có lợi thế về diện tích lòng hồ thủy điện Sê San 4, rất thuận lợi cho việc nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, ngành, đã giúp cho người dân phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, góp phần tăng thu nhập và thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo.

Huyện Ia H’Drai có khu vực lòng hồ thủy điện Sê San 4 với diện tích mặt nước hơn 5.100 ha. Đây là khu vực có mặt nước ổn định, có nguồn thủy sản tự nhiên dồi dào và rất thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi cá bằng lồng bè như cá lóc, thát lát, cá bống… Thời gian qua, huyện đã quan tâm khuyến khích và tạo điều kiện cho nhiều hộ dân phát triển nuôi trồng thủy sản. Hiện nay diện tích ao hồ nuôi trồng thủy sản toàn huyện gần 19 ha và 56 lồng nuôi thủy sản; sản lượng nuôi trồng  đạt gần 70 tấn, sản lượng thủy sản khai thác tự nhiên đạt hơn 27 tấn. Từ nguồn lợi thủy sản thu được đã góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân. Ông Nguyễn Văn Triệu (thôn 7, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai) nói: “Vùng đây cá bống, cá lăng nha, cá lăng đuôi đỏ mình nuôi rất đạt. Con cá nàng, cá lóc, cá trắm, cá rô phi, cá diêu hồng mới thí điểm năm nay nhưng thấy cũng rất đạt. Nguồn thức ăn mình đánh bắt được, thành ra cũng nhẹ lo phần thức ăn. Nguồn nước rất thuận lợi vì ổn định hơn so với miền tây, vì nguồn nước hồ thành ra không có chất độc gì, nuôi cá rất ổn định”.

Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện
Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện

“Nguồn lợi thủy sản mình đây cũng phong phú lắm, nhiều hơn so với những chỗ khác. Cá đặc sản nhiều như cá lăng nha đuôi đỏ, cá chình sọc dưa, anh vũ cũng có. Một ngày mỗi thuyền thu nhập chắc cũng được 500.000đ”. Ông Nguyễn Duy Khanh, người đánh bắt cá trên lòng hồ nói.

Ngoài sự quan tâm của huyện, năm 2015, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum đã tiến hành hỗ trợ 14 hộ dân ở thôn 7, xã Ia Tơi triển khai mô hình nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thuỷ điện Sê San 4, với số lượng 20 lồng. Các loài cá được thả nuôi gồm cá diêu hồng, cá thát lát cườm và cá lăng đuôi đỏ. Các hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% con giống, hướng dẫn kỹ thuật, 50% tiền thức ăn. Theo đánh giá bước đầu, các loài cá thả nuôi đều phù hợp và thích nghi tốt với điều kiện môi trường, cá sinh trưởng và phát triển tốt. Ông Chế Hồng Quyền, Chủ tịch UBND xã Ia Tơi cho biết: “Hiện nay bà con đang tập trung nuôi một số loại cá chủ yếu như cá thát lác, cá lăng nha, có diêu hồng, đó là những loài cá  hiện nay một số chương trình của Sở KH&CN đang đầu tư thử nghiệm cho bà con nuôi trồng để đánh giá kết quả, giúp bà con tiếp tục phát triển. Chính quyền đã thành lập tổ hợp tác để bà con có quy mô hơn về phát triển làng nghề đánh bắt cá trên sông và nuôi trồng thủy sản”.

Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với các hộ dân nơi đây là đầu ra của sản phẩm cá nuôi. Do đường sá đi lại khó khăn nên các thương lái ở thành phố Kon Tum chưa thể vào mua cá, cá nuôi chủ yếu bán cho các thương lái ở địa bàn tỉnh Gia Lai nên bị ép giá. Giá cá lóc bán ra bình quân từ 32.000đ đến 35.000đ/kg, cá thát lát từ 45.000đ đến 50.000đ/kg, với giá bán này thì người nuôi cá không có lãi.

Để có hướng phát triển lâu dài cho nghề nuôi trồng thủy sản và khai thác hết lợi thế về diện tích lòng hồ ở huyện biên giới Ia H’Drai, thiết nghĩ các cấp, ngành cần có sự quan tâm hỗ trợ để các hộ nuôi trồng thủy sản có được đầu ra sản phẩm ổn định.

Ngọc Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *