(kontumtv.vn) – Do khí hậu lạnh, mưa nhiều nên mỗi năm vào mùa rét có rất nhiều trâu bò trên địa bàn huyện Kon Plông (Kon Tum) bị chết. Nguyên nhân chính xuất phát từ sự chủ quan và phong tục tập quán của người dân. Bước vào mùa lạnh năm 2017- 2018, huyện Kon Plông đã nỗ lực để hạn chế tình trạng trâu bò chết rét.

47 hộ dân ở làng Vi Chi Ring, xã Hiếu, huyện Kon Plông nuôi 136 con trâu và 7 con bò. Thế nhưng cả làng chỉ có 10 chuồng nhốt gia súc. Phần lớn đàn trâu bò của làng được thả rông. Vì vậy vào mùa rét, số trâu bò của làng Vi Chi Ring chết rét khá nhiều. Trong mùa lạnh năm nay, làng có 5 con trâu bị chết. Việc chăn nuôi trâu bò thả rông và số trâu bò bị chết trong mùa lạnh là khá phổ biến ở xã Hiếu. Ông Trương Thế Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hiếu nói: “Trâu bò chết trong mùa rét cơ bản là do phong tục tập quán của người dân. Mùa rét hay thả rông trâu bò, cách chăm sóc chưa đảm bảo”.

Thả rông là nguyên nhân gây trâu bò chết trong mùa rét ở Kon Plông
Thả rông là nguyên nhân gây trâu bò chết trong mùa rét ở Kon Plông

Trong mùa lạnh năm 2016- 2017, huyện Kon Plông có 121 con trâu bò bị chết do rét và đói. Trong đó, xã Đăk Tăng bị chết nhiều nhất với 31 con trâu bò.  Thiệt hại từ việc trâu bò chết rét là rất lớn. Tuy nhiên, việc vận động bà con làm chuồng trại để chăn nuôi là không dễ. Ông Trương Ngọc Tuyền, Phó Phòng NN&PTNT huyện Kon Plông cho biết: “Chính quyền địa phương cũng đã vào cuộc tuyên truyền cho người dân. Tuy nhiên phong tục tập quán của người dân là chăn nuôi thả rông. Đồng thời  khâu dự trữ chuẩn bị dữ trữ thức ăn cho gia súc tại hộ gia đình chưa được chuẩn”.

Làm chuồng và dự trữ thức ăn cho gia súc sẽ đem lại hiệu quả cao trong chăn nuôi. Trâu bò được giữ ấm, được cho ăn đầy đủ trong mùa lạnh sẽ khỏe mạnh và sinh sản tốt, đem lại nguồn lợi. Mô hình làm chuồng chăn nuôi của anh A Chiêng ở làng Vi Chi Ring cho thấy điều này. Sau bốn năm làm chuồng, đàn trâu của anh A Chiêng từ 2 con phát triển thành 6 con và tất cả đều khỏe mạnh. Anh A Chiêng chia sẻ: “So với trước mình không làm chuồng bây giờ tốt hơn, Có chuồng sáng mình dắt đi ăn, tối về nhốt vào chuồng nó ấm hơn, bệnh dịch xảy ra đỡ hơn, phân cũng đào hố gom lại một bên để bón cho cây cà phê”.

Mặc dù cấp ủy, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền gắn với hỗ trợ người dân làm chuồng trại, nhưng toàn huyện Kon Plông chỉ có hơn 2.200 hộ chăn nuôi gia súc có chuồng trại, chiếm 65%. Vì vậy, nguy cơ trâu bò bị chết trong mùa lạnh năm nay là rất cao. Nhiều giải pháp như hỗ trợ dân làm chuồng chăn nuôi theo nhóm hộ, dạy nghề chăn nuôi và vận động nhân dân trồng cỏ, sử dụng rơm, thân ngô làm thức ăn dự trữ đã được huyện Kon Plong triển khai. Ông Trương Ngọc Tuyền cho biết: “UBND huyện sử dụng các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, nông thôn mới, giảm nghèo để hỗ trợ các nhóm hộ nghèo làm chuồng trại chăn nuôi đảm bảo kỹ thuật, vừa giúp hộ nghèo có nơi nhốt gia súc, phòng chống rét, vừa tuyên truyền cho các hộ dân kỹ thuật làm chuồng để nhân rộng ra trên địa bàn. Huyện cũng quan tâm chỉ đạo dự trữ thức ăn trong mùa mưa rét”.

Đến nay, toàn huyện có trên 13.500 con trâu bò của trên 3.300 hộ gia đình. Việc triển khai các giải pháp để hạn chế tình trạng gia súc chết trong mùa rét là cần thiết để huyện Kon Plông hoàn thành mục tiêu phát triển đàn gia súc trong nhân dân, giúp bà con xóa đói, giảm nghèo bền vững.

                                       Văn Hiển – Tấn Thành

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *