(kontumtv.vn) – Mặc dù đã tăng cường các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác QLBVR, song tình hình vi phạm lâm luật ở Ngọc Hồi (Kon Tum) từ đầu năm đến nay có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và khối lượng gỗ vi phạm so với cùng kỳ năm ngoái. Các vụ vi phạm ngày càng tinh vi, khó xử lý.

Từ đầu năm 2017 đến nay, huyện Ngọc Hồi đã phát hiện 50 vụ vi phạm lâm luật. Trong đó khai thác lâm sản trái phép 12 vụ, với khối lượng gần 98 m3 gỗ xẻ và  hơn 400 m3 gỗ tròn các loại; vận chuyển lâm sản trái pháp luật 13 vụ với khối lượng hơn 26 m3 gỗ xẻ các loại; mua bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái với các quy định của Nhà nước 25 vụ với khối lượng gần 177 m3 gỗ xẻ các loại. Đến nay, đơn vị đã xử lý 29 vụ. Trong đó xử lý hành chính 26 vụ, xử lý hình sự 3 vụ; tịch thu gần 109 m3 gỗ xẻ các loại, 9 xe gắn máy; thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 451 triệu đồng. Ông Vương Văn Tuyên – Phó chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi cho biết: “Tình hình vi phạm trên địa bàn huyện trong thời gian qua có dấu hiệu phức tạp,  tinh vi hơn. Để xảy ra tình trạng trên có rất nhiều nguyên nhân. Thứ nhất việc nhập khẩu gỗ từ các nước về còn nhiều hạn chế. Thứ hai là nhu cầu sử dụng gỗ của người dân cao dẫn tới tình trạng phá rừng. Thêm nữa, công tác quản lý bảo vê rừng của các chủ rừng cũng chưa thực sự chặt chẽ, công tác phối kết hợp của các lực lượng truy quét cũng chưa thường xuyên. Thứ ba là các đối tượng khai thác lâm sản ngày càng liều lĩnh hơn. Thứ tư là địa bàn rộng nên lực lượng cho công tác quản lý cũng còn nhiều hạn chế”.

Tang vật gỗ vi phạm
Tang vật gỗ vi phạm

Phần lớn các vụ vi pham lâm luật trên địa bàn huyện Ngọc Hồi từ đầu năm đến nay đều nằm trên lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hồi. Công ty cho biết do lực lượng quá mỏng, trong khi đó, diện tích quản lý của công ty quá rộng. Tổng diện tích công ty đang quản lý là hơn 2.700 ha trên địa bàn 4 xã Bờ Y, Đăk Dục, Đăk Nông, Đăk Xú và  hai lâm trường trực thuộc là  Dục Nông và Sa Loong, nên việc tuần tra kiểm soát hết sức khó khăn. Ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng Phòng Kỹ thuật Công ty THHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hồi nói: “Trên diện tích như thế, mà kinh phí hoạt động hạn hẹp, không đảm bảo cho công tác quản lý bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, lực lượng của đơn vị thì rất mỏng, lâm tặc thì hoạt rất tinh vi. Công ty cũng đã nỗ lực hết sức nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng vi phạm trên lâm phần mình quản lý”.

 “Lực lượng quản lý bảo vệ rừng của Công ty Lâm nghiệp Ngọc Hồi rất mỏng nên không đủ sức để ngăn chặn các đối tượng vào rừng trái phép. Trước tình hình đó, từ tháng 3/2016 Hạt đã tham mưu cho UBND huyện thành lập 4 chốt liên ngành và đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra, tuần tra, truy quét lâm phần của công ty để ngăn chặn và hạn chế thấp nhất vi phạm xảy ra trên địa bàn. Hiện nay Hạt đang tham mưu cho UBND huyện thành lập thêm 4 chốt liên ngành nữa, có như vậy mới ngăn nổi”. Ông Võ Thanh Thành, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ngọc Hồi cho biết.

Trước diễn biến phức tạp của tình trạng vi phạm lâm luật trên địa bàn huyện Ngọc Hồi, các cơ quan chức năng đã rà soát, nắm bắt thông tin và xác định 3 điểm nóng cần tăng cường lực lượng để tuần tra, truy quét là địa bàn xã Đăk Xú, Đăk Nông và Bờ Y. Tại những điểm nóng này, đã thành lập các chốt QLBVR với lực lượng tham gia là kiểm lâm địa bàn, dân quân, công an xã, đại diện đơn vị chủ rừng và cán bộ đồn biên phòng. Tuy nhiên, các đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép ngày càng manh động, sẵn sàng chống đối khi bị truy quét. Bên cạnh đó, lâm tặc thường lợi dụng vùng giáp ranh để khai thác gỗ trái phép, vì đây là địa bàn rất hẻo lánh, khi bị chủ rừng và các ngành chức năng phát hiện thì nhanh chóng di chuyển và chỉ để lại tang vật vô chủ cho nên rất khó xử lý.

Qua thực tế này cho thấy, để triển khai công tác quản lý bảo vệ rừng tại huyện Ngọc Hồi cũng như các địa phương khác một cách hiệu quả, một mặt chủ rừng và các ngành chức năng cần chủ động khắc phục khó khăn, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình thực thi nhiệm vụ, mặt khác cần tăng cường lực lượng và các trang thiết bị, phương tiện để thực thi nhiệm vụ. Hơn nữa, cần tăng cường công tác phối hợp giữa chính quyền và các ngành chức năng ở các địa phương với các biện pháp quyết liệt để xử lý kịp thời các trường hợp xâm hại đến rừng. Có như vậy công tác giữ rừng mới không còn gian nan.

                                                                                              Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *