(kontumtv.vn) – Nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Sa Thầy(Kon Tum)  không ngừng đổi mới tư duy sản xuất, tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào phát triển chăn nuôi, trồng trọt, từng bước giúp người dân nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Phát huy kết quả đạt được, trong năm 2017, huyện tập trung triển khai Đề án Phát triển nông nghiệp bền vững, chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thực tiễn từng địa phương.

Xác định nông nghiệp là thế mạnh, tháng 01/2017, UBND huyện Sa Thầy ban hành Đề án Phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2016 – 2020 nhằm đa dạng hóa cây trồng, tăng năng suất lao động, ổn định thu nhập nhân dân, nhất là các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương, huyện tập trung triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất mới. Điển hình như mô hình trồng cây ăn quả chất lượng cao xen cây dược liệu, mô hình trồng cây sa nhân tím dưới tán rừng hay mô hình trồng xen đinh lăng – cà phê – bơ. Bước đầu triển khai, tuy còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng với sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, cùng sự đồng thuận của nhân dân, các mô hình dần đi vào ổn định.

Mô hình trồng hồ tiêu ở Sa Thầy mang lại hiệu quả
Mô hình trồng hồ tiêu ở Sa Thầy mang lại hiệu quả

Với kinh phí hỗ trợ hơn 150 triệu đồng, 10 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy đã tiến hành trồng 20 ha sa nhân tím dưới tán rừng tái sinh thuộc khu vực Vườn Quốc gia Chư Mom Ray. Tham gia mô hình, các hộ dân được giao đất, giao rừng, hưởng lợi kinh tế từ tán rừng; đồng thời ý thức và trách nhiệm hơn trong quản lý bảo vệ rừng. Ông Nguyễn Hữu Thạnh, Phó chủ tịch UBND huyện Sa Thầy cho biết: “Qua khảo sát, tạo điều kiện cho các hộ dân người đồng bào thiểu số nằm ở ven rừng quốc gia Chư Mom Ray thì Huyện ủy, UBND huyện chủ trương phát triển mô hình đây để nhân rộng. Trước mắt chúng tôi tập trung chăm sóc 20 ha để phát triển. Hy vọng hiệu quả đem lại để nhân rộng ra tất cả các làng, không riêng gì ở đây mà các làng ở Mo Rai, Rờ Kơi vùng ven”.

Tại hai xã Sa Bình và Hơ Moong, huyện tập trung triển khai mô hình trồng đinh lăng xen cà phê hoặc bơ. Tổng kinh phí phát triển mô hình khoảng 700 triệu đồng. Huyện chủ trương tăng hỗ trợ trong năm 2018 lên 1,3 tỷ đồng nhằm nhân rộng mô hình ra các xã còn lại trên địa bàn. Hiện nay, diện tích đinh lăng trồng xen cà phê và đinh lăng trồng xen bơ tại hai xã Hơ Moong và Sa Bình là 15 ha với gần 20 hộ dân tham gia. Ông Mai Nhữ Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Hơ Moong nói: “Mô hình trồng bơ xen cây đinh lăng hết sức hiệu quả. Đây là mô hình tôi thấy hết sức hợp lý với người dân, bởi nguồn đất ít, mình trồng xen canh được thì sẽ đem lại lợi ích cao cho nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo”.

Huyện cũng đẩy mạnh thực hiện mô hình thâm canh cây cà phê, hỗ trợ 63 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Đăk Wớt Yốp, xã Hơ Moong và thôn Đăk Tăng, xã Sa Nghĩa trồng mới 20 ha cà phê. Đồng thời, tích cực vận động nhân dân chuyển đổi diện tích đất trồng sắn sang trồng các loại cây phù hợp, cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Ông Võ Đình Sơn (thôn Chờ, xã Ialy) nói: “Ngày xưa ở đây tôi hoàn toàn trồng mỳ hết. Mấy năm nay giá mỳ thấp, thu hoạch không được bao nhiêu, tôi chuyển sang cây cà phê. Trồng cây cà phê mới có lợi nhuận chứ cứ để bà con trồng mỳ thì càng cực. Đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu ở đây riêng tôi nhận thấy cây cà phê là rất phù hợp”.

Với những giải pháp đồng bộ, thiết thực trong triển khai Đề án Phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2016 – 2020, tin rằng công tác xóa nghèo, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân trên địa bàn huyện Sa Thầy sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.

Thu Trang – Ngọc Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *