(kontumtv.vn) – Là huyện có nhiều đồng bào DTTS sinh sống, có những nét văn hóa đa dạng và phong phú, để các giá trị văn hóa không bị mai một, thời gian qua huyện Sa Thầy luôn quan tâm và thực hiện có hiệu quả Đề án Bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Nhờ đó các giá trị văn hóa được giữ gìn và phát huy.

Sa Thầy huyện có nhiều dân tộc anh em sinh sống, trong đó nhiều dân tộc sinh sống lâu đời như Ja Rai, Xê Đăng, Ba Na, Rơ Mâm… chiếm trên 57%  dân số. Đây là các dân tộc có những nét văn hóa riêng vô cùng độc đáo và phong phú. Tuy nhiên, do sự tác động từ mặt trái của văn hóa hội nhập, cùng với quá trình giao lưu vùng, miền đã trực tiếp hoặc gián tiếp làm cho một số giá trị văn hóa truyền thống không còn được cộng đồng coi trọng, gìn giữ. Vì vậy, năm 2012, HĐND huyện Sa Thầy đã ban hành Nghị quyết số 28 thông qua “Đề án Khôi phục, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào các DTTS huyện Sa Thầy, giai đoạn 2012 – 2015”; năm 2016, Huyện ủy Sa Thầy ban hành Nghị quyết số 03 về “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các DTTS huyện Sa Thầy gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025” và HĐND huyện ban hành Nghị quyết số 54 về việc thông qua “ Đề án Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các DTTS huyện Sa Thầy gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025”. Ông Trần Văn Tiên, Trưởng Phòng VH – TT huyện Sa Thầy cho biết: “Đề án tập trung vào những nội dung chủ yếu và thiết thực như khôi phục một số lễ hội truyền thống, đậm đà bản sắc, định kỳ tổ chức các hoạt động như liên hoan, hội diễn cồng chiêng, dân vũ, dân ca ở cấp huyện kết hợp với tổ chức ngày hội văn hóa thể thao ở các cụm xã, nhằm tạo môi trường cho công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa. Đặc biệt hằng năm đều tổ chức từ 2 – 3 lớp truyền dạy văn hóa dân gian tại các xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện”.

Truyền dạy đánh cồng chiêng cho thanh niên
Truyền dạy đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ

Trong quá trình thực hiện Đề án, huyện Sa Thầy đã chú trọng phát huy vai trò của các nghệ nhân dân gian trong việc truyền dạy cho thế hệ trẻ. Nghệ nhân ưu tú A Deng (thôn Gia Xiêng, xã Rờ Kơi) nói: “Bây giờ mình biết rồi, mình dạy cho thế hệ trẻ, thanh niên biết. Một tháng hai lần dạy nó không quên, bỏ lâu quên hết”.

Hằng năm, UBND huyện Sa Thầy đã bố trí nguồn kinh phí 100 triệu đồng/năm  để các cơ quan chức năng triển khai thực hiện Đề án. Từ năm 2013 đến nay, Phòng Văn hóa – Thông tin huyện đã phối hợp với UBND các xã mở 5 lớp truyền dạy kỹ năng diễn tấu cồng chiêng, đàn hát dân ca tại 5 xã, với 200 nghệ nhân và hơn 1.000 học viên là thanh, thiếu niên tham gia; tổ chức khôi phục nhiều lễ hội như hội đua thuyền độc mộc, lễ mừng lúa mới, lễ cúng bến nước, lễ mừng nhà rông mới, tổ chức liên hoan cồng chiêng toàn huyện… Ông Trần Văn Tiên cho biết: “Kết quả trước hết đáng ghi nhận là có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, ngành từ huyện đến cơ sở và người dân ở cộng đồng dân cư về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa. Đặc biệt là trong công tác truyền dạy văn hóa dân gian, các đối tượng truyền dạy đa số là thanh thiếu niên sau khi tham gia các lớp này thì các em đã nắm được những kỹ năng cơ bản về diễn tấu cồng chiêng, múa xoang và đã biểu diễn thành thạo các bài chiêng, bài xoang truyền thống của dân tộc mình”.

Nhờ thực hiện có hiệu quả Đề án, đến nay huyện Sa Thầy còn lưu giữ 443 bộ cồng chiêng, 15 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú; tất cả 39 thôn, làng đồng bào DTTS tại chỗ có đội cồng chiêng, múa xoang. Nhiều đội nghệ nhân được tham gia biểu diễn các sự kiện văn hóa trong và ngoài nước, góp phần quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc đến với các địa phương khác và với bạn bè quốc tế.

Ngọc Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *