(kontumtv.vn) – Huyện Sa Thầy có hơn 80.000 ha rừng tự nhiên. Nhằm thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, thời gian qua huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tuần tra, truy quét. Qua đó phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm lâm luật, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng trên địa bàn huyện Sa Thầy đã phát hiện, xử lý 69 vụ vi phạm lâm luật, giảm 14 vụ so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó khai thác rừng trái phép 05 vụ; mua bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái pháp luật 47; vận chuyển lâm sản trái pháp luật 16 vụ; vi phạm các quy định của nhà nước về bảo về rừng và phòng cháy chữa cháy rừng 01 vụ; đã lập hồ sơ thu giữ hơn 425 m3 gỗ tròn các loại, 01 cưa xăng, 10 xe mô tô độ chế và 01 xe cộ độ chế; kiểm tra và ra quyết định đình chỉ hoạt động 4 cơ sở chế biến gỗ nằm ngoài quy hoạch. Ngoài ra, huyện đã xác định 40 điểm nóng vi phạm quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản trên địa bàn 5 xã và tăng cường lực lượng tuần tra, truy quét. Ông Lê Văn Thoan, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Sa Thầy cho biết: “Trong thời gian qua, Hạt đã xác định và thống kê được các điểm nóng và tham mưu cho UBND huyện thành lập 3 đoàn liên ngành tuần tra, truy quét các điểm nóng. Kết quả đã phát hiện 4 vụ vi phạm, tịch thu 60 m3 gỗ xẻ và trên 10 m3 gỗ tròn các loại. Hạt cũng thường xuyên phối hợp với các Đồn Biên phòng 705, 707 thường xuyên tổ chức kiểm tra ở các khu vực biên giới để phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các đối tượng mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn”.
Sa Thầy có diện tích rừng tiếp giáp với nhiều huyện, có đường biên giới dài, nên khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ. Thời gian qua huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ rừng, UBND các xã, thị trấn triển khai nhiều giải pháp, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, kiến thức về công tác quản lý bảo vệ rừng cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các hộ tham gia nhận khoán quản lý bảo vệ rừng để nâng cao nhận thức và có trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng. Ông A Tuấn (thôn Lang Lút, xã Ya Tăng, Sa Thầy) nói: “Trong thời gian qua, gia đình tôi có nhận 18 ha rừng của Chương trình 134. Gia đình tôi thường xuyên đi kiểm tra, nửa tháng 1 lần, có phát hiện gì thì về báo cho kiểm lâm địa bàn, các ban, ngành có liên quan”.
“Chúng tôi tiến hành chỉ đạo thường xuyên trên cơ sở phối hợp 3 lực lượng gồm kiểm lâm địa bàn, dân quân, cùng với công an xã. Chúng tôi tiến hành xây dựng kế hoạch và phương án quyết định thành lập chốt chặn trên địa bàn. Năm 2015 đã thành lập 1 chốt trên đầu nguồn Nhà máy thủy điện Ya Ly; năm 2016 chúng tôi thành lập đội cơ động trên địa bàn xã. Đến nay đã giảm 95% nạn khai thác rừng, phát nương làm rẫy trái phép trên địa bàn”. Ông Rơ Man Nhơn, Chủ tịch UBND xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy cho biết.
Cuối năm là thời điểm thường diễn ra các hoạt động khai thác lâm sản trái phép, huyện Sa Thầy đã chỉ đạo các lực lực chức năng, UBND các xã, thị trấn, các đơn vị chủ rừng phối hợp tăng cường công tác tuần tra, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn. Ông Trần Đình Huân, Chánh Văn phòng UBND huyện Sa Thầy nói: “Công tác bảo vệ rừng, đặc biệt là vào mùa khô, huyện đã chỉ đạo các đơn vị chủ rừng thường xuyên quan tâm việc hướng dẫn cho nhân dân khi vào rừng phải đảm bảo không để xảy ra cháy. Đặc biệt huyện cũng đã chỉ đạo các cơ quan công an giám sát việc các xe độ chế, nếu khai thác gỗ thì xử lý kịp thời, khi vận chuyển gỗ trên đường thì lực lượng công an sẽ kiểm tra, kiểm soát để hạn chế việc vận chuyển”.
Đồng thời, huyện chỉ đạo UBND các xã nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Nếu xảy ra việc phá rừng trên địa bàn thì người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện; triển khai thực hiện công tác PCCCR mùa khô 2016 – 2017, với mục tiêu giữ vững diện tích rừng trên địa bàn huyện.
Ngọc Chí