(kontumtv.vn) – Điểm thi công đầu tiên của hệ thống dẫn dầu vào Nam trên đất quê hương Bác Hồ. Khởi đầu trên vùng tam giác lửa khốc liệt đã báo hiệu một cuộc trường chinh gian khổ và anh hùng của bộ đội xăng dầu.

Lập tuyến tại trọng điểm

Sau khi hứa với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Đinh Đức Thiện lập đoàn khảo sát lắp đặt đường ống trên tuyến vận tải chiến lược 559.

Ông Trần Xanh, nguyên Trưởng phòng Kĩ thuật, Cục Xăng dầu, Tổng cục Hậu cần, kể: “Anh Thiện ra lệnh phải khảo sát ngay trong tháng 4/1968 và triển khai trước mùa mưa. Phải tranh thủ thời gian, không thể chậm trễ, vì thằng Mĩ nó không chờ đợi anh đâu! Phía trong đã hết xăng rồi”.

Ông Xanh kể: “Tôi thấy lo lắng vì khi học ở trường đã được học qua về đường ống. Nhưng thực sự chưa nghiên cứu sâu, vì nghĩ đất nước mình biết bao giờ mới có đường ống. Còn đường ống dã chiến thì tuy có nghe nói, nhưng chưa hình dung ra thế nào…”.

“Tôi cũng lo lắng về việc đem đường ống đặt trên địa hình rừng núi mấp mô thế thì có được không, bơm có đủ sức mạnh để đẩy dòng xăng qua núi không, chuyên chở thế nào…”, ông Xanh tâm sự.

Trường-Sơn, huyền-thoại, xăng-dầu, tam-giác, biên-giới, Võ-Nguyên-Giáp, chiến-tranh, lửa, khí-đốt
Ông Trần Xanh, người phụ trách đoàn khảo sát đầu tiên

Nhưng lo ngại đã được giải tỏa khi Trung tướng Đinh Đức Thiện chỉ rõ: “Phải đặt đường ống theo đường ôtô, vì bơm xăng là để cấp cho xe chạy, đồng thời cũng lợi dụng ôtô chở ống và lắp ráp và có đường để đưa máy bơm vào… Nhưng đừng có dại làm đường ống ngay sát đường, vì khi địch đánh đường thì cũng trúng ống luôn. Phải làm cách xa ra, có thể cách đường một vài kilômét. Khi qua các trọng điểm, thường xuyên bị địch đánh phá thì phải cách xa hơn nữa. Nơi địa hình quá hẹp thì cũng phải tìm cách tránh xa mấy trăm mét.

Đường ống dã chiến làm bằng vật liệu nhẹ, chiến sĩ của ta vác một người một ống, nếu không nổi thì hai người khiêng một ống vậy! Bơm thì nhất định nặng hàng tấn rồi. Phải làm đường, rồi dùng xe ba cầu, xe kéo, hoặc mượn xe húc kéo vào. Không có xe kéo thì dùng sức người như kéo pháo ở Điện Biên Phủ. Các kho xăng thì phải tìm hang đá mà đặt vào. Trường hợp ở nơi không có núi đá thì dùng các bể nhỏ, chôn ngầm dưới đất, hoặc trong khe núi, nhưng phải chú ý ngụy trang cẩn thận và đặt phân tán. Điều quan trọng nhất là phải giữ bí mật, không để địch phát hiện”.

Tuy nhiên, sau khi khảo sát xong, Mỹ xuống thang chiến tranh, tập trung bắn phá Khu IV, đánh dữ dội để phong tỏa khu tam giác Bến Thủy, Nam Đàn, Linh Cảm. Xe téc và xe chở xăng phuy bị cháy nhiều. Phía trong “đói” xăng nghiêm trọng, nên kế hoạch lập đường ống ở Khe Ve – Mụ Giạ tạm gác lại, làm đoạn vượt tam giác lửa trước

Khởi đầu trên quê Bác

Ngày 12/04/1968, Tổng cục Hậu cần cho thành lập một đơn vị mang tên Công trường Thủy lợi 01 với 34 chiến sĩ được huấn luyện cấp tốc về kỹ thuật lắp đặt đường ống.

Đến ngày 29 tháng 4, lực lượng này được điều về khu vực Nghệ An, đổi tên thành Công trường 18. Đại tá Mai Trọng Phước, Phó Cục trưởng Cục xăng dầu thuộc Tổng cục Hậu cần được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy công trường này.

Trường-Sơn, huyền-thoại, xăng-dầu, tam-giác, biên-giới, Võ-Nguyên-Giáp, chiến-tranh, lửa, khí-đốt
Đưa ống vượt sông

Toàn bộ công trình khó nhất là đoạn vượt sông Lam. Ông Phan Tử Quang lúc này là Cục phó Cục Quản lý xe được phân công đặc trách chỉ đạo thi công tuyến đường ống đã bàn với chỉ huy công trường 18: lực lượng và phương tiện đã triển khai rồi, đặc biệt trong tháng 6 khi nước sông Lam xuống thấp nhất…

Sau khi khảo sát tìm được đoạn sông hẹp và kín nhất ở phía nam bến đò Vạn Rú, tất cả nếu quyết tâm kéo ống vượt sông Lam. Nhiều phương án đã được đưa ra: Làm cọc trên mặt sông để đỡ đường ống đi qua. Phương án đó bị loại bỏ ngay. Cuối cùng phương án đặt ống ngầm dưới đáy sông đã được lựa chọn. Nhưng xe kéo không có? Canô không có!

Đại tá chỉ huy trưởng Mai Trọng Phước kể lại: “Chúng tôi đã phải dùng sức người để kéo ống như bộ đội ta đã kéo pháo vào Điện Biên Phủ năm xưa”.

Đêm 22/06/1968, công trường bắt đầu tổ chức vượt sông, ông Mai Trọng Phước chỉ huy lực lượng công trường 18 cùng dân quân xã Nam Đông kéo ống phía bờ nam. Phía bờ bắc, lực lượng do Trần Xanh chỉ huy.

Ông Xanh kể: “Máy bay Mỹ gầm rú trên đầu, thả pháo sáng rực trời. Chúng tôi lợi dụng ánh sáng đó để thi công. Cứ lắp xong một đoạn ống thì hiệu lệnh kéo ống vang lên. Những cánh tay bờ bên này nâng ống lên để bờ bên kia níu dây kéo ống qua. Đến 5 giờ sáng ngày 23/06, toàn bộ đoạn đường ồng dài 500 mét đã được kéo qua sông Lam an toàn.

Sau khi lắp đoạn đầu tiên vượt sông, các đoạn khác được đặt trên đất liền. Vấn đề là làm sao đặt trong ban đêm để ban ngày vùi lấp kín, máy bay Mỹ không phát hiện được.Nhưng máy móc không có, xe ủi không có. Công trường 18 quyết định mượn trâu và cày của hợp tác xã để cày một đường thật sâu trên mặt ruộng, sau đó đặt ống xuống, lấp lại, cấy lúa bình thường, để khi trời sáng, máy bay Mỹ không phát hiện ra. Cứ như vậy, một đêm đặt được khoảng 1km.

Đến ngày 10/08/1968, đoạn đường ống thép đầu tiên dài 42km đã được lắp đặt qua vùng “tam giác lửa” Vinh – Nam Đàn – Linh Cảm, nối từ kho xăng N1 thuộc xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn của Nghệ An, vượt qua sông Lam và sông La vào tới kho N2 ở Nga Lộc, huyện Can Lộc của Hà Tĩnh”.

Đại tá Mai Trọng Phước hồi tưởng: “Tôi run run hứng chai xăng đầu tiên trong lòng ống chảy ra. Ngay sau đó, chai xăng được chuyển về sở chỉ huy tiền phương của Tổng cục. Các thủ trưởng chuyền tay nhau chai xăng như cầm trong tay ngọn lửa thần kỳ sẽ tiếp sức cho những đoàn xe ra trận”.

Từ thành công đầu tiên này, Trung tướng Đinh Đức Thiện chỉ đạo lấy đoạn thể nghiệm làm trung điểm để kéo dài ra hai đầu. Một đầu từ kho N1 vươn ra phía Bắc, nối thông đến vùng không có chiến sự để tạo nguồn xăng ở đầu vào được ổn định. Một đầu từ kho N2 tiếp tục vươn vào phía Nam bảo đảm cho tuyến vận tải chiến lược. Từ đó, hệ thống ống dẫn liên tiếp được nối dài thêm, hướng Bắc ra đến tận biên giới Việt – Trung, hướng Nam vào tận chiến trường.

Thanh Lê/Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *