(kontumtv.vn) – Trong cơn bão số 9/2009, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ, làm 30 người chết, 26 người bị thương, 420 căn nhà bị sập, hơn 1.200 ha hoa màu bị bồi lấp và nhiều công trình trường học, thủy lợi, giao thông… bị hư hỏng. Với sự quan tâm của các cấp chính quyền, 10 năm sau cơn lũ lịch sử, đời sống của người dân vùng bão lũ năm nào đã dần ổn định.

Sau cơn bão số 9/2009, gia đình anh A Hà cùng 60 hộ dân ở thôn Chung Tam, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông được chuyển về ở khu tái định cư mới do làng cũ bị sạt lở. Ngoài việc được hỗ trợ xây dựng nhà, gia đình anh còn được hỗ trợ để phát triển sản xuất; cuộc sống gia đình anh đã dần ổn định và có tích lũy để lo cho các con học hành. Anh A Hà nói: “Từ khi Đảng, Nhà nước tạo điều kiện di dời cho bà con xuống đây thì hộ gia đình tôi cơ bản đời sống ổn định hơn. Nhờ có nguồn Nhà nước hỗ trợ như giống cà phê, bời lời, các cây con giống khác như con heo, bên cạnh đó cũng cấp cho hộ 1 con trâu để phát triển thu nhập của hộ gia đình. Đến nay, cơ bản hộ gia đình của tôi ổn định”.

Người dân tái định cư được hỗ trợ phát triển sản xuất
Người dân tái định cư được hỗ trợ phát triển sản xuất

Sau khi lũ dữ đi qua, thiệt hại do bão số 9/2009 gây ra là quá lớn, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã nhanh chóng vào cuộc, gấp rút triển khai các biện pháp hỗ trợ nhân dân huyện Tu Mơ Rông khắc phục hậu quả. Từ các nguồn vốn từ Trung ương, của tỉnh, huyện Tu Mơ Rông đã hỗ trợ xây dựng 1.322 căn nhà cho nhân dân vùng bão lũ tại 21 điểm di dời dân cư; phục hồi, cải tạo hơn 310 ha đất sản xuất và hỗ trợ các loại giống cây trồng để khôi phục sản xuất…Chị Y Bun (thôn Chung Tam, xã Măng Ri) nói: “Về đây từ năm 2010, bà con làng đây cũng làm ăn tốt đẹp, Nhà nước hỗ trợ cây con giống cũng đã trồng hết, chăm sóc hết”.

“Cơn bão số 9 có 6 thôn thì các thôn cũng đều bị thiệt hại, nhưng nặng nhất là thôn Chung Tam và Long Hy, hai thôn phải di dời 100%. Đến nay, qua 10 năm các hộ được sự hỗ trợ của các nguồn của Trung ương, nguồn bão lũ, theo chương trình lồng ghéo nhà 167, các gia đình đã tạm ổn về nhà ở cũng như khu tái định cư đã có đất sản xuất và đến giờ phút này bà con đã ổn định”. Ông Nguyễn Bá Thành, Chủ tịch UBND xã Măng Ri cho biết.

Ngoài việc hỗ trợ sau bão số 9, hằng năm huyện Tu Mơ Rông đã huy động các nguồn lực từ các chương trình, dự án của Nhà nước, các nhà hảo tâm kịp thời hỗ trợ nhân dân ở vùng bị thiệt hại do bão lũ để phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Từ đó, đời sống của người dân đã chuyển biến, ổn định. Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Đến nay các hộ nằm trong vùng sạt lở năm 2009 vẫn tiếp tục được UBND huyện hỗ trợ các nguồn vốn để phát triển sản xuất từ Chương trình 30a, 135, Chương trình nông thôn mới. Cho đến thời điểm bây giờ cuộc sống của bà con ổn định, nhiều hộ mua xe máy, sắm sửa tivi, các thiết bị gia dụng như tủ lạnh, nồi cơm điện trong gia đình, cơ bản cuộc sống của bà con ở các điểm tái định cư đến nay đã ổn định về mặt sản xuất”.

Tuy phần lớn đời sống người dân vùng thiệt hại do bão lũ đã ổn định, nhưng hiện nay còn nhiều hộ dân ở các làng thuộc xã Văn Xuôi, Ngọc Yêu vẫn không chịu đến nơi tái định cư để sinh sống, gây nên sự lãng phí lớn đối với ngân sách Nhà nước. Vì vậy, các cấp chính quyền huyện Tu Mơ Rông cần có những giải pháp cụ thể để giải quyết những vấn đề bất cập trong việc tái định cư, từng bước ổn định cuộc sống cho người dân nơi đây.

 

Ngọc Chí – Huỳnh Đại

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *