(kontumtv.vn) – Trong nhiệm kỳ qua, cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện, các chỉ tiêu về phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông đều đạt và vượt so với chỉ tiêu đề ra. Diện mạo trung tâm huyện đến tận các thôn, làng đang ngày một đổi mới, đời sống người dân ngày càng no ấm.
Trong nhiệm kỳ qua, có thể nói thành tựu nổi bật nhất của huyện Tu Mơ Rông đó chính là chủ trương phát triển các loại cây dược liệu đã có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn thể nhân dân. Giờ đây, cây dược liệu đã được người dân xem là loại cây mang lại nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống ấm no hơn. Đến nay, toàn huyện Tu Mơ Rông đã trồng được gần 730 ha cây dược liệu các loại; trong đó cây sâm Ngọc Linh phát triển trong dân hơn 24 ha, tăng hơn 22 ha so với năm 2015; cây hồng đẳng sâm gần 100 ha; hơn 23 ha đương quy; hơn 20 ngũ vị tử… và có 02 doanh nghiệp thực hiện đầu tư trồng sâm Ngọc Linh với diện tích hơn 485 ha. Đồng thời, huyện đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết trồng, sản xuất chế biến dược liệu, từng bước hình thành chuỗi liên kết giá trị từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo thị trường ổn định và nâng cao giá trị sản xuất. Hiện có 02 hợp tác xã là Hợp tác xã dược liệu Ngọc Lây, Hợp tác xã dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông đã thực hiện chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm cây hồng đẳng sâm với các hộ dân trên địa bàn xã Ngọc Lây, quy mô 04 ha/30hộ tham gia. Ông Nguyễn Tiến Thuật, Giám đốc HTX Dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông, xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông cho hay: “Việc thu gom sản phẩm ở đây thì đa phần mình cũng thu gom những sản phẩm của bà con, có người trồng được, hoặc có người thu hái trên rừng, thì đó là một phần để tăng kinh tế hộ ở đây. Tới đây mình cũng có kế hoạch liên kết với các hộ là người dân địa phương, có chương trình liên kết, làm các thành viên liên kết để sau này triển khai phát triển kinh tế tại địa phương, cấp giống với kỹ thuật cho bà con, sau đó mình cam kết đầu ra thì nó sẽ ổn được đầu ra cho bà con và tăng giá trị kinh tế lên”.
Chính nhờ cây dược liệu mà nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo và trở thành hộ giàu. Điển hình trong số đó phải kể đến anh A Sáng ở thôn Tu Bung, xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông. Nhờ có nguồn thu nhập từ chăn nuôi trâu và hơn 1,3 ha hồng đẳng sâm, hơn 1.000 gốc sâm Ngọc Linh, hơn 1 ha cà phê, anh A Sáng đã thoát nghèo và xây dựng được căn nhà khang trang trị giá hơn 250 triệu đồng. Anh A Sáng chia sẻ: “Trước kia là làm cũng một nhà tạm, thấy cuộc sống kha khá, rồi bàn với vợ rồi hai vợ chồng bàn nhau rồi cũng có trâu, có bò, ngoài thu nhập hộ gia đình cũng có vừa rồi cũng bán cà phê, sâm dây, sâm Ngọc Linh cũng bán ít, xây dựng một căn nhà đó rồi năm nay đón tết hộ gia đình cũng chuẩn bị đón Tết năm có thể khá hơn năm trước, cũng chuẩn bị mua loa, đài để đón Tết có vui trong dịp Tết”.
Ngoài thực hiện có hiệu quả chủ trương phát triển các loại cây dược liệu, huyện Tu Mơ Rông còn thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ của Trung ương, tỉnh dành cho đồng bào DTTS, như Chương trình 135, Chương trình 30a, Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh của tỉnh… để nâng cao đời sống người dân, mà trọng tâm hỗ trợ nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị, có lợi thế của huyện theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Nhờ vậy, diện tích cây hằng năm đều đạt và vượt so với kế hoạch; diện tích các loại cây lâu năm không ngừng tăng lên, toàn huyện có hơn 4.700 ha bời lời, hơn 1.670 ha cà phê, hơn 120 ha cao su, hơn 150 ha cây ăn trái… Người dân đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, sản lượng các loại cây trồng. Ông A Ru ở thôn Tê Xô Ngoài, xã Đăk Tờ Kan, huyện Tu Mơ Rông phấn khởi nói: “Trong năm vừa rồi cũng nhờ sự chỉ đạo, tuyên truyền, vận động của cán bộ xã đến tận nhà, thứ nhất là phải trồng cà phê để ổn định kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống cho con cháu đi học; hai nữa vấn đề chăn nuôi tôi được nuôi cả trâu, cả bò được 10 con. Tổng thu nhập một năm của tôi từ 70 đến 80 triệu, có năm 100 triệu”.
Anh A Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông cho biết thêm: “Bà con cũng biết áp dụng khoa học kỹ thuật, ví dụ cà phê bà con biết tận dụng phân chuồng, sau đó chăm sóc làm bồn, bón phân theo thời kỳ để cây phát triển, nhận thức bà con so với nhiệm kỳ trước là bà con rất hiểu về thay đổi cách phát triển kinh tế”.
Diện tích các loại cây trồng phát triển đã từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông đã giảm từ hơn 72% năm 2015 xuống còn hơn 42% năm 2019. Ông Nguyễn Bá Thành, Chủ tịch UBND xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Qua phát triển kinh tế trong 5 năm qua thì bà con đến giờ phút này có thể nói tỷ lệ hộ nghèo giảm, trước là trên 72% thì hiện nay đang còn là trên 43%, các hộ gia đình từng bước đã có nhà xây, tivi, xe máy, các điều kiện sinh hoạt trong gia đình đã từng bước đầy đủ, tiện nghi hơn và nắm bắt được qua các kênh thông tin đại chúng và hiểu biết hơn về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”.
Song song với hỗ trợ nâng cao đời sống nhân dân, huyện Tu Mơ Rông cũng huy động nhiều nguồn lực hể hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Đến nay, 100% xã có đường giao thông đi được 2 mùa; điện lưới quốc gia đến 100% số xã, hơn 90% người dân được sử dụng điện; 11/11 xã có Trạm Y tế xã và tất cả các Trạm đều có bác sỹ; 100% xã có trường Mầm non, Tiểu học, THCS… Cựu chiến binh A Duân ở thôn Pu Tá, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông phấn khởi nói: “Nói chung là trong xã Măng Ri đây giờ thay đổi nhiều, đường, trường, trạm có đầy đủ hết, các cháu học không có chạy về, học đến nơi đến chốn. Đó là mới thấy thay đổi chỗ đó”.
Với chủ trương đúng đắn và sự hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực của nhân dân, tình hình kinh tế – xã hội của huyện Tu Mơ Rông trong nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã sự chuyển biến rõ nét. Ông A Rin Ka, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Huyện Tu Mơ Rông nổi bật đạt được những kết quả như sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng tích cực, trước đây người dân sản xuất theo hướng cũ, canh tác lạc hậu, đến nay người dân dần thay thế bằng phương thức sản xuất mới, áp dụng những khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng sản lượng và hiệu quả trong sản xuất. Huyện cũng có các xã đạt các tiêu chí nông thôn mới như có 3 xã đạt 8 tiêu chí, 5 xã đạt 9 tiêu chí và 3 xã đạt 10 tiêu chí. Đến nay năm 2019 và đầu năm 2020 ước tổng thu nhập người dân trên địa bàn huyện khoảng 27,5 triệu đồng/người/năm so với 2015 là 13,5 triệu đồng/người/năm”.
Một mùa xuân với lại về, đồng bào DTTS ở huyện Tu Mơ Rông phấn khởi trước những thành tựu mà huyện đã đạt được trong thời gian qua và quyết tâm đoàn kết, thống nhất cùng với Đảng bộ, chính quyền xây dựng huyện Tu Mơ Rông sớm thoát nghèo, ổn định và phát triển.
Ngọc Chí – Thanh Hà