(kontumtv.vn) – Giai đoạn chuyển mùa là điều kiện thời tiết thuận lợi để các loại vi khuẩn gây bệnh phát triển và lây lan trong cộng đồng. Để phòng ngừa dịch bệnh xuất hiện, bùng phát, hạn chế nguy hiểm do dịch bệnh gây ra, ngành Y tế huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho người dân trên địa bàn. Phóng viên Đài PT-TH tỉnh đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ CKI Đỗ Xuân Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tu Mơ Rông về vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa như hiện nay thì những dịch bệnh nguy hiểm nào có nguy cơ xảy ra trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông? Và chủ yếu tập trung ở những vùng nào?

Bác sĩ CKI Đỗ Xuân Thủy: Thời gian chuyển mùa trên huyện Tu Mơ Rông có thể xảy ra một số dịch bệnh hay lây qua đường tiêu hóa, đường hô hấp, ví dụ như bệnh tay – chân – miệng, thủy đậu, quai bị, bệnh sởi, ho gà và một số bệnh cúm có độc lượng cao như H7N9, H5N1. Ngoài ra, giai đoạn chuyển mùa, mùa lạnh này Tu Mơ Rông có thể có 1 số bệnh thông thường khác như cúm theo mùa, viêm họng, viêm phổi ở trẻ em, tiêu chảy ở trẻ em. Các bệnh này thường xảy ra ở 7 xã phía đông của huyện Tu Mơ Rông, do khí hậu của 7 xã này lạnh, khi thay đổi mùa thì lạnh nhiều hơn 4 xã phía tây.

BS Đỗ Xuân Thủy trả lời phỏng vấn của PV
BS Đỗ Xuân Thủy trả lời phỏng vấn của PV

PV: Trước những nguy cơ đó, Trung tâm Y tế huyện đã tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên địa bàn như thế nào?

Bác sĩ CKI Đỗ Xuân Thủy: Trung tâm Y tế đã xây dựng kế hoạch phòng chống, tổ chức tiêm chủng đầy đủ theo tiêm chủng quốc gia; rồi tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế của xã về các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra tại các khoa Trung tâm Y tế, các khoa trạm y tế, phòng khám đa khoa xây dựng phương án phòng, chống dịch, thực hiện việc giám sát dịch bệnh tại cơ sở, mỗi trạm y tế trực 24/24, báo cáo kịp thời về Trung tâm Y tế. Tại Trung tâm Y tế thì cán bộ y tế cũng phân công cán bộ thường xuyên giám sát địa bàn xã, nắm tình hình dịch bệnh; tổ chức nhóm họp dân cử cán bộ xuống để tuyên truyền trực tiếp công tác phòng chống dịch theo từng giai đoạn của mùa; truyền thông trên hệ thống loa truyền thanh, pa nô, áp phích ở những nơi công cộng. Ngoài ra cũng chuẩn bị cơ sở, thuốc, trang thiết bị, hóa chất thực hiện khi có dịch xảy ra. Hướng dẫn cho người dân, như để phòng chống bệnh tay – chân – miệng thì giữ gìn, làm công tác vệ sinh, đặc biệt là hướng dẫn rửa tay bằng xà phòng.

PV: Đối với công tác ứng phó với dịch bệnh, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, bùng phát thì đã được địa phương chuẩn bị sẵn sàng ra sao?

Bác sĩ CKI Đỗ Xuân Thủy: Để ứng phó khi tình huống dịch xảy ra, hiện tại Trung tâm Y tế đã xây kế hoạch, phương án phòng chống dịch đảm bảo cả về nhân lực và vật lực. Tại Trung tâm Y tế thì thành lập hai đội phòng chống dịch lưu động tại các trạm y tế, mỗi trạm là 1 tổ phòng chống dịch tại chỗ. Cơ số về thuốc, hóa chất luôn luôn có tủ thuốc phòng chống dịch đặt tại Trung tâm và hóa chất để phục vụ khi dịch xảy ra, khoanh vùng dập dịch ngay từ đầu.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Thanh Thủy – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *