(kontumtv.vn) – Trong hai cuộc chiến tranh Vệ quốc và bảo vệ biên giới có hàng ngàn nhà báo, đủ các loại hình báo chí ra chiến trường.

Theo số liệu ban đầu khoảng 600 nhà báo hy sinh trên tất cả các chiến trường. Hiện nay đã tập hợp được danh sách 400 nhà báo liệt sĩ, trong đó ngành Phát thanh có 34 liệt sĩ. Nhà báo Vĩnh Trà – Trần Đức Nuôi là một trong hàng ngàn phóng viên mặt trận được may mắn sống để kể lại:

Nữ nhà báo hãng AFP có lần hỏi tôi: “Từng là một phóng viên chiến trường, ông có thể nói ngắn gọn cảm nhận của mình?” Tôi gói gọn trong 6 chữ : “CHỊU ĐỰNG – HY SINH – CỐNG HIẾN”.

hy sinh la dinh cao cong hien hinh 1
Nhà báo Vĩnh Trà, người từng vào chiến trường Trị Thiên Huế 1972.

Đã vào chiến trường là chấp nhận hy sinh. Hy sinh cuộc sống bình yên, hy sinh của cải, tình cảm gia đình, hy sinh tuổi trẻ, và đỉnh cao của cống hiến là hy sinh tính mạng

Khoác ba lô con cóc trên lưng, hơn 30 ký, nhưng nặng trĩu và có chút mềm lòng. Buồn, thương, nhớ người thân. Nhà báo hỏi “cảm tưởng thế nào?” thì nén lòng nói trơn tru “Rất hồ hởi, phấn khởi”. Một thời như thế. Trai thời chiến thì không lý gì chần chừ, do dự trước nhiệm vụ trọng đại, khẩn thiết là ra mặt trận, là đứng giữa sống và chết.

Ai mà không nghĩ đến cái chết. Khi tôi khoác ba lô cùng đồng nghiệp rời 58 Quán Sứ lúc chiều muộn ngày 10/6/1972 vào chiến trường Trị Thiên Huế đang là “chảo lửa”, khi con tôi mới 6 tháng trong bụng mẹ. Trong đầu chàng trai trẻ 26 tuổi lúc ấy nghĩ đến hai điều: một là thương vợ sinh nở một mình. Hai là có thể hy sinh mà cha không biết mặt con. Nghĩ đến cái chết, nhưng không sợ chết. Chúng tôi đi. Cả một thế hệ hành quân như thế.

Chúng tôi chấp nhận hoàn cảnh. Đất nước có chiến tranh thì đàn ông ra trận đầu tiên, dù cầm súng hay cầm bút. Nhưng trên đường Trường Sơn, có ngày chúng tôi gặp cả một tiểu đoàn nữ thanh niên xung phong. Đi qua ngầm trong đêm trăng, bị một giọng quát the thé: “Tránh xa xe ra. Muốn chết hả?” Bác tài là một cô gái mặt sạm khói bụi, đen nhẻm, chỉ có hàm răng trắng đều. Một thời, đất nước, nhân dân là như vậy: gái trai cùng xung trận.

Tôi và bao người khác may mắn sống sót sau chiến tranh ác liệt. Ra khỏi cửa rừng, thứ bàn giao đầu tiên là khẩu súng với tâm trạng chán ghét chiến tranh, khát khao bình yên.

Chán ngán chiến tranh vì chịu đựng quá nhiều. Bom đạn, sốt rét, đói, khát, lũ rừng, rắn độc. Ngàn lẻ một cái chết, kiểu chết rình rập ngày đêm. Cuối đông 1972, mưa liên miên, nước sông Hai Nhánh lên cao, gạo đồng bằng không lên được. Lương thực từ Bắc vào bị nghẽn cũng vì lũ. Thiếu đói nhưng bom pháo của địch thì thừa thãi, dội liên miên.

Tôi buột miệng hỏi nhạc sỹ Trần Hoàn, lúc ấy là Phó ban Tuyên huấn Khu ủy: “Khổ thế này, liệu ta có thắng không anh?”

Phó Ban nói ngay: “Không được do dự, bi quan. Phóng viên, tuyên huấn mà e sợ là truyền bi quan sang người khác. Cậu hiểu không. Hơn ai hết, chúng ta phải có niềm tin. Tuyên truyền phải đi trước động viên mọi người”. Sợ đánh giá là quan điểm, lập trường không vững vàng nên tôi không hỏi tiếp nữa.

Chịu đựng mọi thứ, mọi kiểu, dồn sức lực chiến đấu và chiến thắng, từ trận nhỏ đến chiến dịch lớn cho đến ngày toàn thắng. Trong đạo quân trùng điệp ấy có đội quân báo chí với hàng ngàn người. Gần 400 nhà báo đã hy sinh trên khắp các chiến trường A, B, C, K (Việt Nam – Lào – Campuchia) và biên giới Việt – Trung. Trong đó có nhiều liệt sỹ nhà báo đến nay chưa tìm thấy hài cốt.

hy sinh la dinh cao cong hien hinh 2
Nhóm chiến sĩ thông tin trong mũi tấn công của quân giải phóng tại chiến trường Quảng Trị (ảnh: Đoàn Công Tính 1970).

Không thể quên nhà báo Tô Chức. Tốt nghiệp khóa thứ 4, khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1962, anh về làm phóng viên chương trình phát thanh “Từ nhà máy đến công trường” của Đài Tiếng nói Việt Nam. Anh hăng hái đi nhiều công trường, làng quê, viết nhiều phóng sự nóng hổi về cuộc sống và chiến đấu của quân dân Miền Bắc, lắng đọng, ngọt ngào trong tùy bút “Người Hà Nội”.

Năm 1968, vào chiến trường Trị Thiên Huế, nhà báo Tô Chức về ngay cơ sở, cùng ăn, cùng ở, cùng chiến đấu với bà con Quảng Điền. Những thiên phóng sự của nhà báo giàu cảm xúc phát trên làn sóng Đài phát thanh Quốc gia, truyền lửa tiền tuyến cho hậu phương.

Có ai ngờ, người truyền lửa ấy, nhà báo Tô Chức hy sinh trong một trận đánh nảy lửa của quân dân xã Quảng Thái vào ngày 16/8/1968. Nhà báo Tô Chức chưa kịp lập gia đình riêng. Anh sống mãi, trong trắng với tuổi 32. Là nhà báo, chiến sỹ xông xáo nơi chiến trận, gia tài là cây bút và những bài báo để lại cho đời. Cái quý nhất trong ba lô của anh là tập tùy bút của Ilia Êrenbua mà người bạn thân là nhà thơ Trần Nhật Lam tặng trước khi vào Nam chiến đấu. Lời nhắn gửi cuối cùng của anh trong thư gửi bố “Con trai bố nhất định sẽ làm cho gia đình ta thêm tự hào và hãnh diện và không bao giờ phải hổ thẹn vì con”. Hy sinh anh dũng, để lại cho đời một phẩm cách cao đẹp chẳng phải là cống hiến cao nhất của một nhà báo liệt sỹ hay sao.

Vẫn nhớ nhớ như in nhà báo, nhạc sỹ Lê Cường (bút danh Lê Quang Minh), biên tập viên Đài Phát thanh Giải phóng A (CP90). Năm 1971, tôi cùng ở một phòng 10 m2 với anh, tại 6K (Trường Hành chính Trung ương cũ) anh hơn tôi gần một giáp, nhưng không cho là già. Anh bảo sống trẻ trung mới làm được văn nghệ. Năm ấy tôi lấy vợ, nhưng chưa được phân phối nhà. Anh bảo “Cứ chia đôi phòng, căng ri-đô là được, hai bạn trẻ muốn làm gì thì làm, tớ có vợ ở quê rồi, dễ thông cảm thôi mà”. Năm 1972 tôi vào chiến trường Trị Thiên Huế. Năm sau, nhạc sỹ Lê Cường vào khu 5.

Ngày 10/1/1974, trên đường về quê công tác anh đã vấp mìn của địch, hy sinh tại thôn 1, xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Trong ba lô của anh để lại có chiếc áo len chưa kịp biếu mẹ, tấm khăn voan chưa trao tận tay cho vợ sau 20 năm xa cách và bản nhạc “Ánh gươm sông Trà”. Tác phẩm cuối cùng của một đời nhà báo, nhạc sỹ đi qua hai cuộc kháng chiến. Nhạc phẩm anh gửi gắm yêu thương của đứa con sau bao năm xa quê vào nước sông Trà cứ miệt mài chảy về xuôi, ra biển, tha thiết âm vang, đập vào vách núi Ấn, vọng đến mai sau.

Nhớ thương nhiều và cảm phục hơn nữa là các nữ nhà báo liệt sỹ

Nguyễn Thị Thanh Xuân, người con gái Đồng Hới, miệt mài trên các trang báo Quảng Bình trong những năm chống Mỹ ác liệt. Trong một lần về thăm nhà, Thanh Xuân dành trọn đêm chuyện trò với mẹ. Tặng lại mẹ chiếc áo len đang mặc, mấy mét vải đen được cơ quan phân phối dành cho em, Thanh Xuân lên đường với tâm trạng cồn cào trong câu nói dung dị “Thời buổi chiến tranh, biết đâu mà lường hả mẹ”.

hy sinh la dinh cao cong hien hinh 3
Một phóng viên tác nghiệp trên chiến trường. Ảnh: baodientu.chinhphu.vn.

Ai ngờ, đây là lần gặp cuối cùng, câu nói sau cuối của nhà báo Thanh Xuân với mẹ. Ngày 1/2/1973, B52 Mỹ dội bom rải thảm xuống Quảng Sơn, Quảng Trạch, nơi báo Quảng Bình đứng chân. Thanh Xuân hy sinh khi trong tay còn cầm bài báo viết dở.

Dương Thị Xuân Quý, người con gái mạnh mẽ, bản lĩnh của Hà Nội vào chiến trường Khu 5 ác liệt trong những năm tháng khốc liệt nhất. Để lại đứa con gái đầu lòng bé bỏng Dương Hương Ly cho bà ngoại nuôi dưỡng, dứt áo ra đi đã là quả cảm, là sự hy sinh ban đầu cho sự nghiệp. Có lần Xuân Quý kể “Vào chiến trường giữa lúc gặp nhiều khó khăn nhất, nhưng mình “nhập cuộc chiến trường” nhanh. Ngoài nỗi nhớ Ly và Hà Nội ra mình không sợ gì cả.”

Nỗi đau day dứt, cũng là sự hy sinh thầm lặng mà rất đỗi cồn cào của người mẹ là phải xa con. Xuân Quý viết trong nước mắt : “Ôi thương Ly vô hạn. Cứ nghĩ vậy là mình lại khóc. Khổ thân con quá. Đẻ ra vừa biết cười là bom đạn. Vừa nhú răng là sơ tán. Vừa biết gọi mẹ là xa mẹ. Vừa biết nói hai tiếng thì nói “Đi Nam”.

Cái “nhập cuộc” đầu tiên là ý niệm. Xuân Quý ghi vào nhật ký: “Lạ thế. Biết là nguy hiểm lắm, nhưng vẫn sẵn sàng lao vào, dù có hy sinh. Đời người ai chả thế. Đó là ý nghĩ của mình khi được đi Quảng Đà”.

Chị hy sinh ở tuổi 28 vào ngày 8/31969 tại xã Duy Thanh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam.

Nhà báo, nhà thơ Lệ Thu, cựu phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, cựu phóng viên thường trú Đài Phát thanh Giải phóng tại Khu 5 viết:

Khi ta đã hiểu thế nào là lẽ sống

Thì sự hy sinh cũng rất đỗi nhẹ nhàng.

Cái “lẽ sống”, cái “sự hy sinh” ấy cứ lan truyền, cứ tuôn chảy trong dòng máu nóng của những người cầm bút. Trong chiến tranh họ cũng là chiến sỹ, bên tay bút là tay súng. Đó là nhà báo, nhà văn Bùi Nguyên Khiết, sinh vào năm đói, Ất dậu 1945, tại làng Xích Thổ, Nho Quan, Ninh Bình, lớn lên làm giáo viên ở huyện miền núi Lào Cai xa xôi, rồi làm báo, viết văn. Tác phẩm của anh chưa nhiều, nhưng đủ để chứa chan tình yêu cuộc sống, thiết tha với bình yên và dựng xây. Vậy nên khi quân xâm lược Trung Quốc bất ngờ tấn công, anh đã có mặt ở vị trí tiền tiêu vừa viết tin bài đăng ngay trên báo Hoàng Liên Sơn, vừa cầm chắc súng cùng đồng đội đánh trả quân xâm lược. Bùi Nguyên Khiết anh dũng hy sinh vào ngày 17/2/1979 trên chốt tiền tiêu Tả Ngải Chồ, thuộc huyện Mường Khương, Lào Cai.

Tưởng nhớ anh, Hội đồng Nhân dân tỉnh Lào Cai trong kỳ họp cuối năm 2013 đã quyết định đặt tên Bùi Nguyên Khiết cho con đường rộng thênh thang nối đại lộ Võ Nguyên Giáp với phường Bình Minh, bên cạnh trường tiểu học, để nhớ một thời nhà giáo miệt mài truyền con chữ cho học trò các dân tộc nơi đây. Bà Bùi Thị Mỵ, em gái nhà báo liệt sỹ Bùi Nguyên Khiết một lần lên Lào Cai, đứng bên vệ đường mang tên anh trai đã xúc động thành thơ:

Mùa Xuân trổ lộc sinh sôi

Đường tên anh mãi mãi ngời yêu thương.

Tưởng nhớ, tri ân đồng đội, đồng nghiệp hy sinh để nói với người may mắn được sống đến hôm nay rằng, hồi ấy, 1978, có hàng ngàn cán bộ, đảng viên trẻ được Đảng và Nhà nước huy động cấp tốc lên biên giới phía Bắc, tăng cường cho cơ sở, bảo toàn phên dậu quốc gia. Họ đã sống những tháng ngày thiếu thốn, gian truân, đã chiến đấu, đã chiến thắng và nhiều người trở về cơ quan, địa phương tiếp tục cống hiến cho đất nước, cho sự nghiệp. Trong họ có nhiều nhà báo, đủ các loại hình truyền thông, từ địa phương đến trung ương. Họ đã có công. Họ không tâng công, không đòi hỏi gì nhiều, chỉ muốn công bằng, muốn Đảng và Nhà nước có chính sách ghi nhận công lao đóng góp của họ trong cuộc chiến tranh chống xâm lược, bảo vệ biên giới, hải đảo của Tổ quốc.

Hy sinh mạng sống cho mục đích cao đẹp của dân tộc, đất nước là sự cống hiến tột cùng của một con người, một đời người, một thế hệ. Cốt lõi của hy sinh cao thượng là yêu nước. Những cuộc chiến đấu quyết liệt bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa của những người con đất Việt trước hết là vì mục đích ấy, vì tình yêu trường cửu ấy. Khi họ đổ máu, hy sinh cao thượng là lúc họ vượt lên tất cả thành phần xuất thân, địa vị, giai cấp, giai tầng, thể chế chính trị. Họ trở về là người con đất Việt nặng lòng yêu nước thương nòi.

Lịch sử, nhà nước, nhân dân ứng xử xứng đáng với sự hy sinh cao cả của họ, không chỉ là lời tôn vinh đầy mỹ từ mà là từ quan niệm cởi mở, hòa hợp dân tộc, từ chủ trương, chính sách, chế độ cụ thể mà xuất phát điểm là lòng yêu nước đắp xây qua bao thế hệ, là ý chí xuyên suốt lịch sử bảo toàn nguyên vẹn Quốc gia./.

 

Vĩnh Trà/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *