(kontumtv.vn) – Xác định khởi nghiệp là một trong những nhiệm vụ then chốt, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kon Tum đã triển khai hỗ trợ, xây dựng nhiều mô hình giúp phụ nữ khởi nghiệp. Các mô hình triển khai có hiệu quả không chỉ giúp chị em nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống mà còn khơi dậy sức sáng tạo, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình hội viên.

Tổ liên kết “Phụ nữ nuôi heo sọc dưa” là mô hình được Hội LHPN tỉnh triển khai tại Chi hội Phụ nữ thôn Nông Nhầy 1, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi. Mô hình “Nuôi heo sạch sọc dưa” được các chị áp dụng bằng cách dựa vào phong tục tập quán sản xuất của địa phương, nhu cầu thị trường, khai thác các điều kiện sản xuất nông nghiệp thuận lợi để chăn nuôi. Trên cơ sở này, Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ 40 triệu đồng cho 8 hội viên phụ nữ ở đây xây dựng chuồng trại kiên cố và mua con giống.

Chị Y Hân là một trong số 8 hội viên được hỗ trợ 5 triệu đồng mua heo giống sọc dưa và xây dựng chuồng trại. Theo chị Y Hân, heo sọc dưa dễ nuôi, thức ăn cho heo là chuối cây, rau, củ, quả…có thể nấu chín hoặc cho heo ăn sống. Chị Y Hân nói: “Nuôi heo sọc dưa thì quy trình nó cũng dễ thôi, nhưng mình phải chịu khó làm, nuôi nó. Nguồn ăn chủ yếu của nó là tự nhiên nên không phải tốn tiền mà chỉ tốn công mình đi tìm thức ăn cho nó”.

Phụ nữ nghèo được hỗ trợ chăn nuôi
Phụ nữ nghèo được hỗ trợ chăn nuôi

Cũng theo chị Y Hân, bên cạnh đó có một vài khó khăn trong chăn nuôi heo sọc dưa, đó là việc tìm mua heo giống rất khó và giá thành cao. Bình quân 1 con heo giống có trọng lượng từ 8 – 12 kg, mức giá dao động từ 1,2 triệu đồng – 1,4 triệu đồng, giá gấp đôi heo bình thường cùng khối lượng. Chị Y Hân cho biết: “Sự khác biệt đối với nuôi heo bình thường là tiền công, chi phí đối với heo bình thường là nhanh xuất chuồng còn nuôi heo sọc dưa trong vòng 1 năm mình mới xuất được một lần, nó khác nhau chỗ đấy thôi. Nhưng đối với heo sọc dưa mỗi lần thu nhập nó cũng khá hơn sơ với heo bình thường”.

Mô hình tổ liên kết “ Phụ nữ nuôi heo sọc dưa” sau 3 tháng triển khai đã có những kết quả nhất định. Hội viên nghèo có cơ hội được làm kinh tế nhờ sự hỗ trợ tích cực của các cấp hội Phụ nữ. Chị Y Lát (thôn Ngọc Hiệp, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi) nói: “Gia đình tôi chỉ có 2 mẹ con gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, cuộc sống. Con cái thì đang còn nhỏ, muốn làm kinh tế mà không có ai hỗ trợ nên tự thân một mình làm. Nhờ được hỗ trợ của phụ nữ cấp trên tạo điều kiện cho 5 triệu đồng đã tạo điều kiện cho gia đình tôi kiếm thêm thu nhập là mua 2 con heo giống và số tiền còn lại thì tôi mua cám, mua thức ăn thêm cho nó”.

Nhờ Hội LHPN tỉnh khởi xướng, đã giúp hội viên phụ nữ thôn Plei Sar (xã Ia Chim, thành phố Kon Tum) chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo việc làm, tăng thu nhập. Mô hình có 30 thành viên là hội viên Hội LHPN xã tham gia có sức khỏe, có đất trồng cây. Tham gia mô hình, các thành viên được hỗ trợ cây giống, phân bón và tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây. Kinh phí hỗ trợ thực hiện mô hình khoảng 100 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ Chương trình Khuyến nông tỉnh 50 triệu đồng, Công ty TNHH Xây dựng số 6 Kon Tum 50 triệu đồng. Chị Y Vân (thôn Plei Sar) nói: “Ở đây phù hợp với các loại cây trồng như bời lời, cao su, cà phê và sầu riêng, tôi thấy nó phù hợp với đất này, tôi muốn được cấp thêm nữa để được trồng và chăm sóc những giống cây đó để phát triển kinh tế”.

Mô hình trồng cây ăn trái ở thôn Plei Sar sau 3 tháng chăm sóc tỷ lệ cây sống đạt từ 50 – 70%. Kết quả cho thấy nỗ lực rất lớn của hội viên được chọn hỗ trợ mô hình.Chị Siêng Thị Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Chim cho biết: “Xã chúng tôi gồm 11 thôn, trong đó có 9 thôn ĐBDTTS nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Việc Hội LHPN tỉnh hỗ trợ thành lập tổ hợp tác tại Chi hội Plei Sar là đáng mừng vì được sự quan tâm của cấp trên. Chị em ở đây cũng rất phấn khởi vì bản thân họ cũng không có việc làm ổn định, họ cũng tự nguyện tham gia vào mô hình này”.

Các mô hình kinh tế tổ hợp tác do Hội LHPN tỉnh khởi xướng đã giúp chị em vùng dân tộc thiểu số thay đổi thói quen sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ theo kinh nghiệm bản thân, hướng đến xây dựng quy mô sản xuất, chăn nuôi lớn hơn nhờ học hỏi kinh nghiệm, trao đổi qua các cuộc họp nhóm, chi hội Phụ nữ. Tuy mô hình còn mới chưa thể khẳng định việc thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu, song với vai trò đầu mối, luôn sát cánh của các cấp Hội Phụ nữ là động lực giúp hội viên, phụ nữ mạnh dạn vươn lên làm kinh tế, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Hoàng Lợi – Thanh Thái

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *