(kontumtv.vn) – Được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhiều công trình hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng, nhiều chương trình hỗ trợ hộ nghèo phát triển sinh kế được triển khai đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum nâng cao đời sống, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

KET QUA GIAM NGHEO VUNG DBDTTS

Giai đoạn 2016-2018, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Kon Tum đã đầu tư trên 4.860 tỉ đồng cho công tác giảm nghèo bền vững. Trong đó, nguồn từ Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2018 là hơn 714 tỉ đồng, nguồn từ các chính sách, dự án, chương trình hỗ trợ giảm nghèo giai đoạn 2016-2018 khoảng 4.146 tỉ đồng, nguồn hỗ trợ mạng lưới cộng tác viên giai đoạn 2017-2018 trên 1,3 tỉ đồng. Từ nguồn lực chương trình mục tiêu quốc gia và của địa phương đã giúp nhiều xã nghèo, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi diện mạo. Ông Trần Văn Nết, Chủ tịch UBND xã Măng Cành, huyện Kon Plông nói: “Trên địa bàn xã Măng Cành được đầu tư bình quân mỗi năm trên 4,5 tỉ đồng. Các công trình được đầu tư chủ yếu là thủy lợi, giao thông nông thôn, nước sinh hoạt và trường, trạm y tế, đường điện. Mang lại hiệu quả về giao thông tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại, trao đổi hàng hóa, mang lại hiệu quả phát triển kinh tế trên địa bàn”.

Cùng với đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, tỉnh còn phát huy tốt nguồn vốn ưu đãi để hỗ trợ nông dân thoát nghèo. Giai đoạn 2016-2018, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện 16 chương trình tín dụng chính sách ưu đãi, giúp trên 37.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn với doanh số cho vay hơn 1.920 tỷ đồng. Ước đến 31/12/2018 tổng dư nợ cho vay hộ nghèo, cận nghèo đạt 2.312 tỷ đồng, tăng hơn 660 tỷ đồng so với 31/12/2015. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo bền vững.

Không chỉ được hưởng lợi từ nguồn vốn vay ưu đãi và phát triển hạ tầng khu dân cư, đồng bào dân tộc thiểu số còn được hưởng lợi từ các chương trình mục tiêu quốc gia về hỗ trợ phát triển giáo dục, y tế, đào tạo nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động và hỗ trợ phát triển sản xuất. Nhờ vậy, kết quả giảm nghèo trong toàn tỉnh nói chung và khu vực đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng có nhiều khởi sắc. Theo đó, tỉ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số từ gần 47%  năm 2016 giảm còn trên 32% vào cuối năm 2018.

                                                                             Văn Hiển – Huỳnh Đại

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *