(kontumtv.vn) – Kon Tum có diện tích rừng tương đối lớn, người dân (chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số) từ bao đời nay gắn bó với rừng, hưởng lợi từ rừng cũng không ít. Giải quyết việc làm để người dân gắn bó, bảo vệ và làm giàu từ rừng luôn là vấn đề được các cấp, các ngành quan tâm. Mô hình trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng được đánh giá là mang lại lợi ích cả về kinh tế lẫn công tác quản lý bảo vệ rừng tại vùng được cấp chỉ dẫn địa lý sâm củ Ngọc Linh hiện nay.
Sống nhờ cây lúa, cây mì bấy lâu nay, những người dân Xê Đăng ở dãy Ngọc Linh không dám nghĩ rằng sẽ có một ngày cây “thuốc giấu” sâm Ngọc Linh giúp họ thoát nghèo. Mà thật vậy, hàng chục năm trở lại đây, tại xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei, người dân đã tự thành lập 17 nhóm, tổ liên kết trồng sâm Ngọc Linh với 100 hộ tham gia. Ông A Tiên, Chủ tịch UBND xã Ngọc Linh cho biết: “Bà con rất hưởng ứng về cây sâm Ngọc Linh, bởi vì cây sâm Ngọc Linh giá trị mang lại rất cao. Bà con mong muốn trong thời gian đến, định hướng của bà con và định hướng của xã sẽ chỉ đạo, vận động bà con trồng sâm Ngọc Linh để phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn cũng như tăng thu nhập cho hộ gia đình”.
Trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng được cho là phù hợp với tập quán và phương thức lao động sản xuất của bà con Xê Đăng. Từ khi biết giá trị kinh tế cao của loài sâm quý mang tên Ngọc Linh, bà con tự đầu tư tiền kéo đường dây điện lên tận vườn sâm để bảo vệ, tôn và lưới được bao quanh vườn sâm rất cẩn thận. Anh A Bon (thôn Tu Rang, xã Ngọc Linh) nói: “Tôi chống tôn lại, đào dưới này lấp lại. Sau đó cột chặt lại bên ngoài để khỏi chui vô được. Nếu con chim nhảy vô ăn hạt thì mình cũng bảo vệ được”.
Không chỉ bảo vệ vườn sâm Ngọc Linh khỏi tác động của các loài thú rừng và người ngoài xâm hại, bà con còn biết bảo vệ rừng để phát triển cây sâm Ngọc Linh.
Với đặc điểm là loài cây đặc hữu của núi rừng Ngọc Linh, sâm Ngọc Linh chỉ sinh trưởng và phát triển trong môi trường rừng già,vẫn giữ được tầng nhô và tầng khép tán, có độ che phủ trên 70%. Vì vậy chính sách cho thuê rừng đặc dụng để phát triển diện tích sâm Ngọc Linh trong vùng được cấp chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sâm củ Ngọc Linh là rất cần thiết. Ông A Tiên, Chủ tịch UBND xã Ngọc Linh nói: “Xã với bà con trong địa bàn Ngọc Linh mong muốn Đảng, Nhà nước làm sao sớm có chủ trương để bà con trồng sâm dưới tán rừng đặc dụng. Đặc biệt vai trò của rừng quan trọng vì cây sâm Ngọc Linh không thể mọc được ở vị trí khác”.
Như lời của Thủ tướng Chính phủ, sâm Ngọc Linh bây giờ đã là “quốc bảo”, phải làm sao để trở thành quốc kế dân sinh. Đứng trước thời cơ lớn để phát triển, cây sâm Ngọc Linh đang mang lại triển vọng về kinh tế cho bà con Xê Đăng tại 9 xã được chọn là chỉ dẫn địa lý sâm củ Ngọc Linh thuộc 2 huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông. Điều này thành công được hay không là một phần lớn dựa vào sự quan tâm đặc biệt từ Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và chính quyền cấp tỉnh, bởi đó cũng là khát vọng thoát nghèo của bà con nơi đây.
Nguyễn Thu – Duy Vĩ