(kontumtv.vn) – Không được để xảy ra tình trạng ngư dân bám biển phải vay nặng lãi-chỉ đạo này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không chỉ có ý nghĩa kinh tế hôm nay mà còn muốn nhắc tới cả câu chuyện quá khứ chúng ta “không bao giờ quên”.

Trong buổi làm việc ngày 11/3 gồm rất nhiều nội dung với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã đề cập đến ngư dân với những chỉ đạo quyết liệt: Phải ưu đãi, hỗ trợ tối đa để ngư dân bám biển sản xuất và phải bằng chính sách cụ thể, đó là hỗ trợ vốn đóng mới tàu công suất lớn; hỗ trợ vốn để duy trì hoạt động đánh bắt hải sản, không để ngư dân vì bám biển mà phải vay nặng lãi; hỗ trợ bảo hiểm cho tất cả người lao động đi biển.

Trước đó, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2014, người đứng đầu Chính phủ cũng đã trăn trở nhắc các thành viên Chính phủ tìm giải pháp cho câu chuyện ngư dân muốn bám biển nhưng thiếu vốn, phải chịu vay nặng lãi, có trường hợp có tàu nhưng không có vốn để ra khơi.

Ngư dân bám biển sản xuất  phải vay nặng lãi là điều rất đáng tiếc, thậm chí đau xót trong thực tế, mặc dù Nhà nước đã có không ít chính sách hỗ trợ thời gian qua, như hỗ trợ đóng tàu công suất lớn, tàu vỏ thép, hỗ trợ giá xăng dầu…

Bởi vì bà con ngư dân vươn khơi bám biển không chỉ vì miếng cơm manh áo, mà còn vì sự gắn bó, lòng tự hào với những ngư trường truyền thống của cha ông, cũng là biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Nhưng để làm được điều đó, ngư dân phải có lực, và ở vai trò của mình Nhà nước phải chăm lo, đồng cảm với ngư dân, không chỉ ở việc đánh giá cao và khích lệ việc làm của bà con, mà còn ở việc đặt mình vào vị trí của họ để thấu hiểu được những sóng gió, hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, trong đó có những lo âu rất đời, như khó khăn về vốn liếng mà họ phải lo để có thể ra biển.

Và ngay trước buổi làm việc của Thủ tướng với Tổng Liên đoàn Lao động, trong cùng một ngày, hai Phó Thủ tướng cũng đã có những hoạt động thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ đối với ngư dân, với chủ quyền biển đảo.

Chiều 10/3, tiếp Đoàn đại biểu chiến sĩ, ngư dân Trường Sa, Hoàng Sa dự chương trình “Trái tim biển đảo” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ  chức, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chia sẻ: “Ngoài khó khăn mưu sinh, vật lộn với ngư trường từ nghìn đời, để nuôi con, nuôi cháu, bà con ngư dân còn thực sự là những người chiến sĩ đang ngày đêm góp phần gìn giữ chủ quyền của đất nước”.

Tối cùng ngày, dự chương trình giao lưu nghệ thuật “Trái tim biển đảo” kêu gọi nhân dân cả nước chung tay góp sức giúp ngư  dân, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định nội dung chương trình đã khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước của nhân dân ta, đồng thời tôn vinh những tấm gương ngày đêm bám biển, góp phần khẳng định mạnh mẽ ý chí của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta đối với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Cũng nằm trong dòng mạch của những phong trào ủng hộ ngư dân của nhiều giới, nhiều ngành trên cả nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong thời gian qua đã có rất nhiều hoạt động thiết thực ủng hộ ngư dân, như chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa” từ năm 2011.

Và ngày 10/3 vừa qua, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ  tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chính thức phát động chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” để vận động các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước ủng hộ các nguồn lực cho các hoạt động tưởng nhớ, đền ơn đáp nghĩa các chiến sĩ đã hy sinh trong chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Những ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ trong suốt thời gian qua luôn cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đến công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Quan tâm chăm lo hỗ trợ cho ngư dân kiên trì bám biển sản xuất cũng chính là việc làm thiết thực khẳng định và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

“Chúng ta làm gì cũng phải tính tới lợi ích cao nhất của đất nước”, chúng ta cũng “không bao giờ quên”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng nói như vậy tại một Hội nghị khi có đại biểu đề cập một số vấn đề lịch sử liên quan đến độc lập, chủ quyền đất nước. Câu nói của ông khiến người ta nhớ lại những dòng nổi tiếng của nhà thơ Nga Olga Berggolts  được khắc trên bức tường của Nghĩa trang Liệt sĩ Leningrad: “Không ai bị lãng quên và không điều gì bị quên lãng”!

Từ việc không lãng quên lịch sử hôm qua cho tới việc lo nguồn vốn cho ngư dân bám biển hôm nay, đó là những hành động nhất quán trong một mạch nguồn cảm xúc.

Kim Tuấn/chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *