(kontumtv.vn) – Với lòng yêu nghề và tình cảm dành cho các em học sinh, hàng trăm giáo viên đã vượt qua những khó khăn, thách thức để đến với huyện mới Ia H`Drai thực hiện nhiệm vụ trồng người, đây là điều đáng trân trọng. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố dẫn đến các giáo viên hợp đồng không được hưởng chế độ ưu đãi như giáo viên trong biên chế, điều này làm không ít giáo viên hợp đồng gặp nhiều khó khăn.

Do giảng dạy ở điểm trường thôn 2, cách xa cụm trường chính, thiếu nước sinh hoạt, phải ở nhờ nhà trẻ của nông trường cao su nên việc sinh hoạt của cô giáo Nguyễn Thị Thúy(điểm trường thôn 2, Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện, xã Ia Dar, huyện Ia H`Drai) cùng hai đồng nghiệp hết sức khó khăn. Đặc biệt, mỗi tuần cô Thúy phải vượt quảng đường 40 km về cụm trường trung tâm để họp. Khó khăn là thế nhưng lương và phụ cấp của cô Thúy vẫn thấp hơn đồng nghiệp tại nơi công tác 3 triệu đồng mỗi tháng. Cô Thúy nói: “Với mức lương hợp đồng so với ở đây rất là khó khăn, thứ nhất là do chưa có đường bê tông nên đi bằng đường đất, mùa mưa thì rất lầy, mùa khô thì bụi và đồ ăn ở đây giá cả rất đắc”.

Điểrm trường ở
Điểm trường thôn 2 xã Ia Dar

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, vất vả, nhưng với tình yêu nghề, với nhiệt huyết được cống hiến, nhiều giáo viên hợp đồng tại huyện Ia H`Drai vẫn cố gắng bám trụ để truyền dạy kiến thức cho các em học sinh. Cô giáo Mai Thị Thu, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, xã Ia Tơi chia sẻ: “Mặc dù chúng tôi công tác tại một trường, đều giảng dạy, sinh hoạt chuyên môn, tiết dạy như nhau nhưng số tiền hợp đồng vẫn thấp hơn biên chế rất nhiều. Vì yêu nghề, vì muốn đem cái chữ lên cho các em vùng cao tôi vẫn luôn bám trường, bám lớp. Mong các cấp lãnh đạo, các cơ quan, ban, ngành quan tâm nhiều hơn đến giáo viên hợp đồng như chúng tôi”.

Là đơn vị mới thành lập nên huyện Ia H`Drai gặp nhiều khó khăn về kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực, nhất là cơ sở vật chất và nhân lực phục vụ cho sự nghiệp giáo dục. Trước thực tế đó, việc triển khai các chính sách ưu đãi để thu hút đội ngũ cán bộ nói chung và giáo viên nói riêng đã được huyện Ia H`Drai vận dụng. Theo đó, mỗi giáo viên biên chế ở mức lương khởi điểm sẽ thực nhận trên 7 triệu đồng. Cô giáo Nguyễn Thị Nhi, Trường THCS Trần Quốc Tuấn, xã Ia Tơi cho biết: “Mặc dù giảng dạy trên khu vực khó khăn và vất vả nhưng bù lại chúng tôi cũng được nhận một số chế độ đãi ngộ như tiền thu hút ban đầu 10 tháng lương cơ bản, thứ hai là tiền trợ cấp đứng lớp, tiền khu vực khó khăn và tiền khu vực biên giới. Chúng tôi cảm thấy hài lòng và yên tâm công tác”.

Đáng quan tâm là trong tổng số 151 cán bộ, giáo viên đang công tác tại huyện mới Ia H`Drai chỉ có 75 trường hợp trong biên chế được hưởng đầy đủ chế độ đãi ngộ thu hút 10 tháng lương cơ bản, 50% khu vực biên giới, 70% phụ cấp đứng lớp và 70% phụ cấp khu vực khó khăn. Còn lại 76 giáo viên hợp đồng chỉ được hưởng lương theo hệ số và 50% phụ cấp khu vực biên giới. Bà Nguyễn Thị Hồng Lan, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ia H`Drai cho biết: “Chính sách đãi ngộ đối với giáo viên hợp đồng thì theo quy định mới không được hưởng, chính vì vậy đội ngũ giáo viên hợp đồng rất khó khăn. Đây là một trong những trăn trở của ngành, mong cơ quan, ban, ngành tạo điều kiện quan tâm cho giáo viên hợp đồng được hưởng chế độ ưu đãi như giáo viên biên chế”.

Do khó khăn như khí hậu khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn, đặc biệt, không được hưởng chế độ đãi ngộ giống như giáo viên biên chế nên năm học 2017-2018 đã có 5 giáo viên hợp đồng của huyện Ia H`Drai bỏ việc. Đây là vấn đề đặt ra không nhỏ cho ngành Giáo dục huyện Ia H`Drai.

                                                Văn Hiển – Tấn Thành

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *