(kontumtv.vn) – Phương án Cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo được ngành Thú y tỉnh Kon Tum triển khai từ năm 2016, với mục tiêu nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay phương án này vẫn chưa được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh vì những hạn chế, khó khăn rất đáng quan tâm.

Bà Trần Thị Hoa (thôn Phương Quý 2, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum) là một trong những người đầu tiên ở địa phương thực hiện phương pháp thụ tinh nhân tạo cho bò. Trước đó, cán bộ thú y cơ sở đã phải vận động bà nhiều lần vì bà chưa hiểu gì về phương pháp thụ tinh nhân tạo cho bò, trong khi đó bà lại nghe rất nhiều tin đồn không hay về phương pháp này. Bà Hoa nói: “Trước khi phối thì người ta cứ nói con bò nó yếu, với lại tinh nó không có đẹp. Phối xong thì thời gian đó mình lo. Khi nó sinh ra mình thấy không có gì trở ngại. Bò sinh ra thấy đẹp quá sức đẹp rồi. Giờ ai vô mình cũng khoe con bò của mình hết”.

Hiện tại, khi thực hiện phương pháp thụ tinh nhân tạo cho bò, người chăn nuôi được hỗ trợ 100% chi phí. Tuy nhiên, do nhận thức của người dân còn hạn chế nên đến nay phương pháp này chưa được thực hiện phổ biến. Ông Đoàn Bá Quyết, Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum cho biết: “Do tập tục chăn nuôi của địa phương, trước đây đến giờ thì phương án thụ tinh nhân tạo  chưa được triển khai rộng rãi, cho nên đây là phương án rất mới mẻ. Do vậy sự ủng hộ, tham gia của người dân vẫn còn hạn chế. Thứ hai là một số địa phương tuyên truyền để cho người dân thấy được lợi ích của phương án chưa được rộng rãi, nên một số dẫn tinh viên sau khi được đào tạo về không có bò để thực hiện”.

Nâng cao chất lượng đàn bò thông qua phương pháp thụ tinh nhân tạo để cải tạo đàn bò địa phương theo hướng hàng hoá là một trong những mục tiêu được xác định trong Đề án Phát triển chăn nuôi tỉnh Kon Tum đến năm 2020. Phương pháp này được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh từ năm 2016, thế nhưng đến nay chỉ mới  triển khai ở 7 huyện, thành phố và số lượng bò thực hiện phối giống chưa đến 1.000 con. Ông Đoàn Bá Quyết nói: “Về kinh phí thực hiện thì bây giờ một số huyện cũng gặp khó khăn, đặc biệt là kinh phí chi trả cho dẫn tinh viên, theo Phương án thì 200.000đ cho một con bê được sinh ra, thấp so với thu nhập hiện tại. Hai nữa là cán bộ chuyên trách tham gia Phương án vẫn có một số huyện chưa có chế độ thù lao cho anh em, nên chưa tạo được sự khích lệ, nhiệt tình  của lực lượng tham gia”.

Nếu những khó khăn, hạn chế này không sớm được tháo gỡ, giải quyết kịp thời thì chắc chắn quá trình thực hiện Phương án Cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo sẽ khó đạt được mục tiêu đề ra.

 Thanh Tùng – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *