(kontumtv.vn) – Những năm gần đây, mặc dù công tác tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình được thực hiện thường xuyên, tích cực, nhưng tỷ lệ sinh con thứ 03 trở lên vẫn có chiều hướng gia tăng ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, song đáng chú ý là nhận thức của người dân về kế hoạch hóa gia đình còn hạn chế.

Gia tăng tỷ lệ sinh con thứ 03 trở lên là thực trạng chung của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Đáng nói, tình trạng này chủ yếu rơi vào các xã, thôn, làng có đông đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo. Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Giám đốc Trung tâm Dân số – KHHGĐ huyện Tu Mơ Rông nói: “Mặc dù cấp ủy, chính quyền địa phương và những người làm công tác dân số của huyện rất nhiệt tình, năng nổ, đã triển khai các hình thức, nội dung, công tác dân số đến vùng đồng bào có đạo, song giáo lý, giáo luật ràng buộc nên người dân ở vùng có đạo thực hiện rất thấp các biện pháp tránh thai hiện đại. Trình độ dân trí thấp, còn mang nhiều tập quán lạc hậu, còn trông chờ, ỷ lại, có quan niệm rằng trời sinh voi, trời sinh cỏ, trời cho ta sinh bao nhiêu ta sinh bấy nhiêu, nên từ đó việc thực hiện KHHGĐ rất khó khăn”.

Tuyên truyền công tác kế hoạch hóa gia đình
Gia đình đông con, kinh tế khó khăn

Trường hợp anh A Toa 35 tuổi và chị Y tre 32 tuổi ở thôn Đăk Wơk (xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy) là một ví dụ điển hình. Kết hôn năm 2009, đến nay, vợ chồng anh có 6 người con; lớn nhất học lớp 8, bé nhất mới 15 tháng tuổi. Thu nhập không ổn định khiến cả gia đình luôn trong tình trạng thiếu ăn, thiếu mặc. Căn nhà đang ở cũng của họ hàng cho mượn tạm. Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng anh chị vẫn chưa có ý định dừng lại ở đứa thứ 6. Anh Toa cho biết: “Cũng không biết nữa. Thì cũng đẻ hết trứng chứ sao giờ. Phong tục ở đây là phải chịu thôi. Theo người khác thì cũng muốn chứ, muốn làm như thế nhưng bản thân mình phải chịu, phải sinh hết mới thôi”.

Theo thống kê, tỷ lệ sinh con thứ 03 trở lên trên địa bàn xã Hơ Moong cao nhất huyện Sa Thầy, khoảng 49 – 50%. Hầu hết các gia đình đông con đều là người dân tộc thiểu số ở những vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Nhận thức của bà con còn hạn chế nên công tác tuyên truyền, kế hoạch hóa gia đình tuy được triển khai thường xuyên nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả. Chị Mai Thị Nhịp, cán bộ Dân số –  KHHGĐ xã Hơ Moong nói: “Xã Hơ Moong có 7 thôn thì chỉ có 1 thôn của người Kinh thôi, còn 6 thôn còn lại là đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo Thiên Chúa. Cho nên phong tục tập quán của họ cũng rất khó để thay đổi tư tưởng, suy nghĩ. Nhiều khi bản thân tôi lên nhà đối tượng, đi cùng cộng tác viên, họ thấy mặt mình quen, họ bảo ồ cán bộ dân số rồi, họ lảng tránh không tiếp chuyện với mình, họ đi nơi khác, cho nên mình vào mình không gặp được người”.

Hiện nay, nguồn kinh phí hỗ trợ công tác tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình còn thấp, chưa đảm bảo phát huy hiệu quả vai trò của cộng tác viên dân số tại các thôn, làng. Ông Lý Văn Tỵ, Phó Giám đốc Trung tâm Dân số – KHHGĐ huyện Sa Thầy cho hay: “Mức thù lao cho cộng tác viên còn quá thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu công việc, kể cả trong cuộc sống đời thường. Bởi vì hàng tháng, cộng tác viên chỉ có 127.000đ. Kinh phí công tác tuyên truyền, vận động người dân những năm gần đây của Trung ương và địa phương có phần khó khăn và không đủ đáp ứng hỗ trợ cho công tác vận động tuyên truyền đối với người dân, nhất là đối tượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 15 – 49 tuổi có chồng”.

Tỷ lệ sinh con thứ 03 trở lên tăng cao khiến nhiều địa phương gặp khó khăn trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh – xã hội trên địa bàn.

Thu Trang – Ngọc Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *