(kontumtv.vn) – Huyện Tu Mơ Rông là vùng trọng điểm phát triển dược liệu của tỉnh Kon Tum. Tuy nhiên hiện nay huyện đang gặp một số khó khăn trong việc mở rộng diện tích cây dược liệu.

Hiện nay, diện tích các loại cây dược liệu đảng sâm, đương quy, sơn tra tại huyện Tu Mơ Rông chưa nhiều, chủ yếu phát triển trong doanh nghiệp, người dân trồng ít. Năm 2021, nhân dân trồng được gần 50 ha đảng sâm, đạt gần 60% kế hoạch; các loại cây dược liệu khác trồng khoảng 155ha. Xã Đăk Na có điều kiện tự nhiên thuận lợi nên từ trồng nhỏ lẻ, tự phát trong dân xã đã quy hoạch phát triển vùng dược liệu. Tuy nhiên, đang ở mức thí trồng thí điểm. Ông A Dũng – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông cho biết, năm qua xã mới phát triển khoảng 5ha sâm dây, 0,3ha cây sâm Ngọc Linh và 10.000 cây Kim tuyến. “Hiện tại, vẫn còn tồn tại một số khó khăn vướng mắc đó là nguồn giống. Bà con cũng muốn đầu tư phát triển tuy nhiên giống, đảm bảo đúng chất lượng đúng cái nguồn gốc khó khăn, cái phong tục tập quán của bà con về kĩ thuật canh tác, thâm canh cây dược liệu còn hạn chế, bà con chưa áp dụng được,tiếp theo đầu ra tiêu thụ sản phẩm dược liệu của bà con”, ông nói.

Anh A Lập ở thôn Năng Nhỏ 2, xã Đăk Sao có hơn 3ha đất trồng mì. Thời gian qua, giá Sơn tra có nhiều biến động nên năm 2021 gia đình anh chỉ chuyển đổi trồng gần 1ha cây sơn tra Tây Bắc. Đây là loại giống mới, có năng suất cao, thời gian phát triển ra trái sớm hơn so với giống địa phương. Hiện tại, gần 50% diện tích sơn tra của gia đình đang rơi vào tình trạng khô, rụng hết lá vì đất dốc, thời tiết nắng hạn, xa nguồn nước. Vừa dọn cành khô, che ủ gốc hy vọng cây khỏe lại trong mùa mưa tới, anh A Lập nói: “Mình thích trồng cây dược liêu, đặc biệt là cây sơn tra để có thu nhập, tuy nhiên quá trình chăm sóc, để có cây sơn tra này giống mới rất là khó có nắng tí là nó hay chết nhiều nên cũng mong muốn cho cán bộ chuyên môn hướng dẫn chăm sóc kĩ hơn”.

Với sâm Ngọc Linh, do giá cây giống cao, điều kiện trồng phức tạp nên huyện phát triển còn chậm. Năm 2021, sâm Ngọc Linh người dân trồng mới 9,3 ha, vượt trên 120% kế hoạch; trồng mới trong doanh nghiệp trên 420 ha, đạt trên 87% kế hoạch. Riêng xã Ngọk Yêu, năm qua có 65 hộ trồng sâm Ngọc Linh với khoảng 8.000 cây. Ông Lê Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Ngọk Yêu, huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Chúng tôi cũng sẽ quyết liệt hơn trong cái đầu tư cho bà con trong cái tập trung phát triển kinh tế gia đình, đặc biệt là phát triển cây dược liệu, trong đó kêu gọi bà con nỗ lực sử dụng nguồn vốn vay hợp lý đúng theo chủ trương của các cấp về chuyển đổi cây trồng, đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh”.

Huyện Tu Mơ Rông có tài nguyên đất đai, rừng và thời tiết thuận lợi để phát triển dược liệu, đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh. Vì vậy, huyện được tỉnh quan tâm, định hướng về giải pháp quản lý, bảo tồn, phát triển kinh tế từ dược liệu; người dân cũng được tiếp cận các nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH để đầu tư trồng dược liệu. Tuy nhiên, huyện đang gặp một số khó khăn như tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 23%, thu nhập bình quân đầu người thấp, do đó, việc người dân đầu tư trồng dược liệu, nhất là sâm Ngọc Linh sẽ hạn chế. Ông Vương Văn Mười,  Phó chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Vấn đề sâm thật, sâm giả thì đối với huyện là vấn đề rất là phức tạp, do đó hạn chế về việc phát triển diện tích, cái thứ 3 là hiện nay nguồn chính thức mà để phát triển cây sâm ngọc linh trong dân thì ngoài nguồn tự có của dân thì dân vay NHCS, hằng năm ủy thác hàng tỷ đồng để người dân phát triển sâm ngọc linh huyện đã kêu gọi thu hút đầu tư, các nhà đầu tư đến và phát triển diện tích lớn để có cái đầu ra ổn định để kích cầu phát triển phần dược liệu”.

Nguồn giống có vai trò quyết định đến chất lượng, năng suất cây trồng. Trên thực tế nguồn cung ứng giống sâm Ngọc Linh và cây dược liệu khác trên địa bàn tỉnh không nhiều, huyện Tu Mơ Rông xác định phải chủ động giống. Đến nay, huyện có 5 hợp tác xã (HTX) ươm cây dược liệu. Trong đó, HTX Nông nghiệp – Dược liệu Đăk Na ươm sâm dây từ hạt theo phương pháp hữu cơ. HTX đang ươm trên 600 nghìn cây sâm dây, nếu phát triển tốt có thể cung ứng giống trồng trên diện tích 15-20ha. Anh Nguyễn Hoàng Phúc, chủ nhiệm HTX Nông nghiệp – Dược liệu Đăk Na cho hay: “HTX dược liệu Đăk Na ươm sâm dây trong địa bàn khu xã quy hoạch để trồng dược liệu, thứ nhất là cung ứng nguồn giống tại chỗ cho bà con trồng để đảm bảo chất lượng cái hạt giống, HTX xuống giống rồi và chuẩn bị giống lên và sắp đến 7 tháng sau thì cây sẽ hướng dẫn cho bà con trồng cái khu này”.

Huyện Tu Mơ Rông hiện có khoảng trên 1.000ha sâm Ngọc Linh và hơn 700 ha cây dược liệu khác. Mục tiêu phát triển cây dược liệu của huyện Tu Mơ Rông đến năm 2025 đạt 2.900 ha sâm Ngọc Linh, cây dược liệu khác là 2.100 ha. Để phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, huyện đang nỗ lực khắc phục khó khăn, hướng tới phát triển kinh tế từ cây dược liệu,  giúp bà con xóa đói giảm nghèo bền vững./.

Cát Tiên – Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *