(kontumtv.vn) – Ngày 8/2/2013, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Kế hoạch số 286 về việc phát triển sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Tuy nhiên, việc triển khai trong thời gian qua còn nhiều bất cập trong công tác quản lý, sản xuất, đặc biệt là việc đưa vật liệu xây không nung vào sử dụng ở các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh còn chậm so với kế hoạch.
Cuối năm 2014, Công ty Cổ phần Tân Hưng đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung trị giá hơn 4 tỷ đồng, với công suất 4,5 triệu viên/năm, sản xuất 5 loại sản phẩm gạch khác nhau. Tuy nhiên, hơn 2 năm qua dây chuyền sản xuất chỉ hoạt động khoảng 30% công suất và số lượng gạch bán ra cũng khá khiêm tốn, chỉ khoảng 2,5 triệu viên. Hiện tại Công ty tồn đọng hơn 3 triệu viên. Ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc Công ty Cổ phần Tân Hưng cho biết: “Từ năm 2014, sản phẩm của đơn vị sản xuất ra rồi, tuy nhiên việc tiêu thụ là gặp rất nhiều hạn chế, do tập quán của người tiêu dùng cũng như các công trình nhà nước chưa có một chế tài đủ mạnh để định hướng cho các chủ đầu tư buộc phải sử dụng gạch không nung đi vào quỹ đạo, sử dụng gạch không nung theo sự hướng dẫn của Chính phủ cũng như của UBND tỉnh. Do vậy trong 3 năm vừa rồi chúng tôi mới tiêu thụ chưa bằng 50% sản lượng chúng tôi sản xuất ra”.
Triển khai thực hiện các quyết định và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 286 ngày 8/2/2013 về việc phát triển sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và lộ trình giảm dần, chấm dứt sản xuất gạch xây đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Theo lộ trình của Kế hoạch 286, đến năm 2015 phải xóa bỏ hoàn toàn các lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh; tổng sản lượng sản xuất gạch tuy nen đạt 80 triệu viên/năm; gạch xây không nung đạt 100 triệu viên/năm. Tuy nhiên, đến nay việc thực hiện lộ trình này chưa đạt theo kế hoạch, toàn tỉnh vẫn còn 197 cơ sở, hộ cá thể sản xuất gạch xây đất sét nung với 370 lò nung thủ công; có 10 dự án lập hồ sơ xin chủ trương đầu tư sản xuất gạch không nung, nhưng chỉ có 4 dự án xây dựng xong nhà máy đi vào sản xuất, với công suất khoảng 30 triệu viên/năm và 4 nhà máy này chỉ hoạt động cầm chừng vì sản phẩm gạch không nung sản xuất ra rất khó tiêu thụ. Ông Nguyễn Văn Bách, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Kon Tum nói: “Nguyên nhân chậm so với kế hoạch đề ra cơ bản là giá cả và chất lượng, giá cả thì đối với gạch không nung cho đến nay lớn hơn so với gạch cùng kích cỡ, lớn hơn 1,6 lần so với gạch thủ công. Thứ hai nữa là gạch không nung nặng hơn gạch thủ công và quá trình thi công, nghiệm thu rất khó”.
Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác khiến cho việc đưa vật liệu xây không nung vào sử dụng theo Kế hoạch số 286 còn hạn chế, đó là chưa có chế tài cụ thể đối với việc bắt buộc phải đưa vật liệu xây không nung vào các công trình xây dựng, việc xóa bỏ các lò gạch xây đất sét nung bằng thủ công chưa đảm bảo theo lộ trình, việc tiêu thụ gạch không nung hạn chế là do thị trường quen sử dụng gạch truyền thống…
Nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương phát triển vật liệu xây không nung, thay thế gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh, ngày 13/4/2017, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Chỉ thị số 03 yêu cầu các cơ quan, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các chủ trương, chính sách về khuyến khích sản xuất và ưu tiên sử dụng vật liệu xây không nung… Theo lộ trình, trong năm 2017, các công trình xây dựng có sử dụng gạch xây trong thi công, bắt buộc sử dụng vật liệu xây không nung ít nhất 30% trên tổng số vật liệu xây; năm 2018, tỷ lệ sử dụng gạch xây không nung ít nhất là 50%; năm 2019, ít nhất là 80% trên tổng số vật liệu xây; đến năm 2020 các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước bắt buộc phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung. Ông Nguyễn Văn Bách nói: “Để thực hiện được đúng lộ trình theo Chỉ thị 03 của UBND tỉnh Kon Tum thì thứ nhất tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các văn bản của Chính phủ, Bộ Xây dựng và của UBND tỉnh Kon Tum. Thứ hai là phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương rà soát lại quy hoạch và bổ sung các quy hoạch, các điểm mỏ có vật liệu để sản xuất vật liệu xây không nung, công bố cho các chủ đầu tư tìm hiểu và đầu tư xây dựng công trình. Thứ ba là tổ chức hướng dẫn, theo dõi, khảo sát việc tuân thủ sử dụng vật liệu xây không nung trong quá trình thi công xây dựng công trình theo Chỉ thị 03 của UBND tỉnh”.
Chỉ thị 03 cũng xác định, UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và pháp luật nếu để xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý hoặc xử lý không triệt để các vi phạm trong quá trình đầu tư sản xuất gạch đất sét nung và vật liệu xây không nung tại địa phương… Vì vậy, để việc thực hiện đưa vật liệu xây dựng không nung vào sử dụng ở các công trình theo đúng lộ trình đề ra theo Chỉ thị 03 của UBND tỉnh, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố.
Ngọc Chí