(kontum.vn) – Là địa phương có thế mạnh về phát triển nông nghiệp, huyện Đăk Hà đã chú trọng thực hiện nhiều chính sách khuyến nông – khuyến lâm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, bảo đảm lợi ích của nông dân. Tuy nhiên, công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh phân bón vẫn còn những khó khăn nhất định cần được tháo gỡ.

Năm 2022, Công ty TNHH MTV Cà phê 731 có tổng số hơn 230 công nhân nhận khoán với tổng diện tích gần 300 hecta cà phê. Theo Nghị định 168 của Chính phủ, Công ty thực hiện nguyên tắc “4 quản” bao gồm quản lý về đất đai; quy trình kỹ thuật chăm sóc; cung ứng vật tư phân bón và quản lý sản phẩm. Do đó, tùy vào thời điểm sinh trưởng, phát triển của vườn cây, Công ty sẽ hợp đồng với các đơn vị cung ứng vật tư nông nghiệp và phân bón cung ứng cho người lao động.

Tuy nhiên, trên thực tế tại các đơn vị nhận giao khoán vườn cây cho người lao động, việc quản lý phân bón chỉ dừng lại ở tiêu chuẩn khối lượng theo thông tin ghi trên bao bì sản phẩm. Khi đến tay người lao động trực tiếp, việc sử dụng sản phẩm hầu như không ai có trách nhiệm đảm bảo chất lượng, số lượng. Chưa kể số lượng lớn người dân mua phân bón tại các cơ sở kinh doanh bên ngoài theo hình thức trả chậm. Ông Phạm Văn Khỏa – Trưởng phòng Nông nghiệp – Kế hoạch, Công ty TNHH MTV Cà phê 731 cho biết: “Theo cái giấy kiểm định chất lượng của đơn vị cung cấp cho công ty, số lượng và chất lượng đã ghi rõ ràng trong hợp đồng. Còn cái hàm lượng thì cái đấy là do bên quản lý thị trường sẽ vào cuộc và xác minh rõ vấn đề này. Chứ về phía công ty chúng tôi thì cũng không có đủ thẩm quyền, khả năng để kiểm định hàm lượng trong một bao phân.”

Ông Hoàng Mỹ Cường – Công nhân Công ty TNHH MTV Cà phê 731 bức xúc nói: “Chúng tôi là người lao động nói thật là không có lợi nhuận mấy. Đi làm cũng chỉ như đi làm thuê, đủ ngày công lao động thôi chứ không có cái tích lũy. Nên cũng mong muốn làm sao các nhà cung ứng vật tư phải đảm bảo được chất lượng phân bón, đảm bảo được trọng lượng của cái sản phẩm mình đã cung ứng và bàn giao cho người lao động người ta chăm sóc. Vì thực tế bây giờ giá phân bón lên cao quá rồi. Trước kia có mấy trăm, rồi hơn triệu, nay lên tới triệu sáu, rồi hai triệu thì làm sao mà không thiệt hại cho người lao động chúng tôi.”

Hiện nay trên địa bàn huyện Đăk Hà có gần 100 đơn vị, cá nhân đăng ký kinh doanh lĩnh vực vật tư nông nghiệp. Trong đó, có gần 40 doanh nghiệp kinh doanh hàng nghìn sản phẩm phân bón được cấp phép lưu hành. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư trên địa bàn, UBND huyện chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với các phòng ban liên quan thường xuyên tổ chức kiểm tra. Đồng thời, lồng ghép công tác tuyên truyền các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật. Ông Nguyễn Văn Hậu – Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đăk Hà cho hay: “Trong quá trình kiểm tra thì chúng tôi kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật như thủ tục kinh doanh, hồ sơ phân bón theo nhãn mác. Rồi việc chấp hành nghĩa vụ tài chính. Còn những phạm vi khác thì không thuộc thẩm quyền nên chúng tôi không kiểm tra. Đánh giá chung thì tất cả các cơ sở kinh doanh đều chấp hành theo đúng quy định.”

Có thể thấy, việc quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh phân bón sẽ góp phần vào việc nâng cao nâng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp. Song trên thực tế, công tác quản lý Nhà nước đối với huyện hiện nay chỉ dừng lại ở các thủ tục hành chính, tính hợp pháp của hàng hóa lưu thông trên thị trường như giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hóa đơn chứng từ mua bán, công bố hợp quy, nhãn hàng hóa, việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết… Còn đối với chất lượng của từng chủng loại, chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ và hướng dẫn cụ thể để người nông dân nhận biết. Chỉ khi có trường hợp ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, chất lượng cây trồng hoặc tác động xấu đến môi trường… thì việc xử lý mới được tiến hành thông qua cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. Ông Nguyễn Văn Hậu – Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đăk Hà cho biết: “Đối với chúng tôi thì chỉ tham mưu cho UBND huyện quản lý một số quy định của Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh. Còn lại một số lĩnh vực khác, thực tế đã xảy ra thì chúng tôi đã kiến nghị với Sở NN và PTNT, cử cán bộ chuyên môn có chứng chỉ tiến hành lấy mẫu, sau đó đưa đi giám định theo quy định và phúc đáp cho bà con khi có nghi ngờ về chất lượng phân bón. Đánh giá về chất lượng và các tiêu chuẩn đo lường thì không thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan chuyên môn cấp huyện, mà thuộc các sở ngành cấp trên, cụ thể là cấp tỉnh.”

Trên thực tế hiện nay, nếu năng suất cây trồng thấp, người nông dân thường nghĩ do sâu bệnh, nguồn nước, giống, thời tiết mà ít để ý đến nguyên nhân từ chất lượng phân bón. Thậm chí có trường hợp nghi ngờ phân bón kém chất lượng, nhưng người nông dân không biết làm thế nào phản ánh với cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý. Điều này thể hiện một phần trách nhiệm của ngành chuyên môn trong công tác phối hợp quản lý, kiểm soát thị trường phân bón nói riêng, vật tư nông nghiệp nói chung.

Trọng Nghĩa

Trung tâm VH-TT-DL&TT huyện Đăk Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *