(kontumtv.vn) – Thực hiện Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới, thời gian qua huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) đã linh hoạt lồng ghép các nguồn lực, chương trình, dự án nhằm thực hiện 19 tiêu chí theo quy định của Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới. Tuy nhiên, Ngọc Hồi vẫn đang gặp khó khăn trong thực hiện tiêu chí thứ 10, đó là tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người của người dân.

Thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới, thôn Dục Nhầy 3 (Đăk Dục, Ngọc Hồi) đã có sự đổi thay rõ nét, đời sống của người dân ngày càng cải thiện. Đáng ghi nhận là bà con đã chuyển đổi từ cây trồng ngắn ngày sang trồng cây lâu năm, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tuy nhiên mức thu nhập của người dân trong thôn vẫn còn khá thấp. Ông Kring Choác, người dân trong thôn nói: “Hiện nay bà con trong thôn nhận khoán cao su tiểu điền 42 ha, riêng cao su cá thể gia đình đang vào khai thác là 30 ha, bời lời 50 ha, cà phê 3 ha. Tổng đàn gia súc trong toàn thôn là 2.000 con, riêng đàn bò hơn 200 con, đàn heo hàng năm hơn 150 con. Nói chung bà con rất tích cực về công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tuy nhiên giá cả bấp bênh nên bà con gặp khó khăn về tổng thu nhập hàng năm”.

Đường giao thông nông thôn huyện Ngọc Hồi đã được xây dựng khang trang
Đường giao thông nông thôn huyện Ngọc Hồi đã được xây dựng khang trang

Theo kế hoạch, xã Đăk Dục phấn đấu được công nhận xã đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới vào năm 2019. Để thực hiện mục tiêu này, địa phương đã tập trung nhiều nguồn lực nhằm thực hiện hoàn thành Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới, đặc biệt là đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao thu nhập của người dân địa phương. Tuy nhiên đến nay xã chỉ mới đạt được 11/19 tiêu chí và đang lo đến năm 2019 sẽ không đạt chuẩn nông thôn mới, vì mức bình quân thu nhập của người dân năm 2017 mới đạt  khoảng 21 triệu đồng/người/năm. Ông Hiêng Lăng Thuận, Chủ tịch UBND xã Đăk Dục cho biết: “Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đến nay xã đạt 11/19 tiêu chí. Trong đó còn 8 tiêu chí còn lại xã gặp khó khăn nhất là 3 tiêu chí, đó là tiêu chí nhà ở, thu nhập, thứ 3 nữa là tiêu chí môi trường. Trong 3 tiêu chí đó trong thời gian vừa qua chúng tôi nhìn nhận khó khăn nhất là tiêu chí thu nhập”.

Điều kiện kinh tế – xã hội của xã Đăk Xú phát triển cao hơn so với các địa phương khác trên địa bàn huyện Ngọc Hồi. Xã đặt ra mục tiêu đến năm 2018 sẽ đạt chuẩn nông thôn mới, thế nhưng đến nay địa phương mới đạt 13/19 tiêu chí. Trong 6 tiêu chí chưa đạt, địa phương dự kiến đến cuối năm 2018 sẽ thực hiện đạt 5 tiêu chí, còn 1 tiêu chí khó thực hiện đạt là về thu nhập bình quân đầu người. Ông Nguyễn Hữu Bảng, Chủ tịch UBND xã Đăk Xú nói: “Theo thông kế 2016, bình quân thu nhập người dân trên địa bàn là 21triệu/người dân, phấn đấu đến cuối 2017 đạt 25 triệu, cái này mà thực hiện theo lộ trình đến 2018 đạt 40 triệu đồng theo tiêu chuẩn thì rất khó. Đảng ủy, chính quyền xã đã quan tâm chỉ đạo việc nâng thu nhập cho bà con, cũng đã tập trung chuyển đổi cây trồng sang các cây hàng hóa có thu nhập, nhưng thực tế kinh tế thị trường một số hàng nông sản cao su, cà phê bấp bênh, thu nhập người dân chưa ổn định, cho nên việc thu nhập đạt chuẩn nông thôn mới cũng là vấn đề khó khăn của địa phương”.

Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn huyện Ngọc Hồi có 2 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1 xã đạt 17 tiêu chí, 4 xã đạt từ 7 đến 12 tiêu chí. Nhìn chung những tiêu chí đạt thấp theo quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới là về giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở khu dân cư. Đặc biệt, tiêu chí các xã khó thực hiện nhất  là về thu nhập bình quân đầu người. Ông Trần Văn Chí, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi nói: “Tiêu chí hiện nay khó khăn nhất là tiêu chí thu nhập của người dân. Theo qui định chung của vùng, tỉnh Kon Tum năm 2015 thì tiêu chí này chỉ có 23 triệu/hộ/năm, thì đến năm 2020 lên đến 40 triệu. Huyện Ngọc Hồi chủ yếu thu nhập chính từ cây cao su và cây cà phê, nếu năm nào giá cả của cao su và cà phê cao thì khả năng đạt mục tiêu này tốt hơn. Do đó mức độ ổn định phụ thuộc nhiều vào yếu tố thị trường”.

Trước thực trạng này, huyện Ngọc Hồi tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao thu nhập của người dân. Ông Trần Văn Chí cho biết: “Chúng tôi đang tìm mọi cách để sản xuất theo chuỗi giá trị để thu nhập của người dân cao hơn. Mặt khác chúng tôi cũng đang huy động các công ty để làm các nhà máy chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp, để người dân được bán sản phẩm một cách tốt nhất, an toàn nhất”.

Tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người đã và đang là khó khăn lớn trong quá trình thực hiện  mục tiêu xây dựng nông thôn ở huyện Ngọc Hồi.

Thanh Tùng – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *