(kontumtv.vn) – Bởi nhiều lý do thuận tiện, nhanh chóng và hợp túi tiền, nên nhiều người tiêu dùng lựa chọn các hàng quán bán thức ăn vặt, ăn nhanh trên vỉa hè, đường phố. Có nhu cầu ắt có cung, hàng quán vỉa hè ngày một mở ra nhiều hơn. Tuy nhiên đằng sau đó là tiềm ẩn vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Ghi nhận của nhóm phóng viên trên địa bàn thành phố Kon Tum.

Không riêng gì ở Kon Tum, ở đâu thuận tiện, ở đó có những quán ăn vỉa hè, người ta thường gọi là thức ăn đường phố. Nó có ở khắp nơi, từ trong ngõ ngách đến các đường lớn; từ cổng trường học đến bến xe, chợ; từ sáng sớm tinh mơ đến tận đêm khuya. Món ăn đa dạng, thực khách tha hồ chọn lựa từ lẩu, cơm tấm, bún mắm cho đến đồ ăn vặt như khoai nướng, bắp xào, cá viên chiên, xe đẩy trái cây… được bán với mức giá mà hầu như ai ai cũng có thể mua được.

Thức ăn đường phố
Thức ăn đường phố

Giá rẻ, phù hợp túi tiền của đại đa số từ công chức, viên chức đến người lao động, học sinh, sinh viên nên hầu như ai cũng dễ dàng lựa chọn thức ăn đường phố và coi đó là món ăn vặt, món ăn khoái khẩu. Có nhiều người còn thích ăn thức ăn đường phố hơn cả thức ăn ở nhà chế biến.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại nhiều hàng quán bán thức ăn nhanh, việc mua và bán diễn ra chóng vánh, mọi khâu từ chế biến đến làm phần thức ăn chủ quán hay người làm đều dùng đôi bàn tay trơn thực hiện mà không đeo bao tay như quy định của ngành Y tế. Bên cạnh đó, chỗ ngồi cho thực khách cũng là nơi lấn chiếm vỉa hè, mất vệ sinh môi trường, chén bát được rửa đi rửa lại duy nhất  bằng 2 chậu nước. Em Lê Thị Ngọc Lê, một thực khách nhận xét: “Có một số quán thì hợp vệ sinh, có quán không được đảm bảo vệ sinh cho lắm. Ví dụ như những quán ven đường thường bụi bặm cho nên không hợp vệ sinh. Những món ăn dầu mỡ chiên đi chiên lại thì không được tốt cho lắm”.

Nghị định 115/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP chính thức có hiệu lực đã gần ba tháng. Nghị định này đã thay đổi nhiều điểm mới, đồng thời tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm ATTP đã có hiệu lực từ lâu. Trên thực tế, việc áp dụng Nghị định 115 về xử lý vi phạm ATTP với những cơ sở kinh doanh thực phẩm lớn hay những nhà hàng có địa điểm cố định là có, nhưng việc áp dụng vào hàng quán vỉa hè không hề dễ, bởi việc kiểm soát các loại hình dịch vụ thức ăn đường phố là không xuể, như việc áp dụng với những gánh hàng rong, mức phạt tiền 500.000đ – 1.000.000đ với hành vi không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay… Thực tế tại các khu vực cổng trường học, hay các hàng rong bên vỉa hè, tình trạng người bán không sử dụng bao tay rất phổ biến. Anh Nguyễn Công Hiếu, một thực khách nói: “Theo mình thì khung xử phạt đó là phù hợp, nó đảm bảo được tính răn đe về thủ tục hành chính cho các cơ sở kinh doanh thực phẩm phải chấp hành để đảm bảo sức khỏe cho người dân”.

“Về việc quản lý thức ăn đường phố gặp nhiều khó khăn. Việc thực hiện đầy đủ các điều kiện kinh doanh về thức ăn đường phố chưa chấp hành đầy đủ. Đa số những người kinh doanh thức ăn đường phố không ổn định nên cũng khó trong việc quản lý”. Bà Phan Thị Kiều Linh, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Kon Tum cho biết.

Không khó sao được khi mà người buôn bán hàng ăn, hàng rong ở vỉa hè đa phần nghèo khó, khi bị lực lượng chức năng nhắc nhở hay đẩy đuổi do vi phạm hành lang, vỉa hè họ chạy trốn, rồi sau đó tiếp tục tái phạm khi lực lượng chức năng rút đi. Vấn đề kiểm tra VSATTP đường phố sẽ càng khó hơn khi họ cũng cách đối phó bằng hình thức ấy, cách mang lại hiệu quả hơn chỉ còn việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức để giúp họ thay đổi hành vi, thói quen chế biến, bán thực phẩm đảm bảo vệ sinh như chính họ làm cho người thân của họ ăn uống.

Hoàng Lợi – Thanh Thái

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *