(kontumtv.vn) – Trong số 105 hợp tác xã đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Kon Tum, có gần 70% là HTX nông nghiệp. Tuy nhiên, khó khăn chung của hầu hết các HTX nông nghiệp hiện nay là tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Với mong muốn tăng lợi nhuận cho sản phẩm cà phê của gia đình và hoạt động kinh doanh có quy củ, gia đình ông Đặng Hồng Vinh (HTX Hải Tình xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà) đã đăng ký tham gia và trở thành thành viên của HTX Hải Tình từ năm 2017. Tuy nhiên, hơn 2 năm nay, gia đình ông vẫn chưa được hưởng thêm quyền lợi nào vì khó khăn chung về đầu ra cho sản phẩm của HTX. Ông Vinh nói: “Tình hình thực tế bây giờ từ khi vào HTX thì mấy năm nay rồi, chưa được cái gì, chưa có cái gì cả. Chắc là HTX chưa tìm được đầu ra”.

Thành lập từ năm 2017, đến nay HTX Hải Tình có 13 thành viên và hơn 20 ha cà phê tại xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà. Các sản phẩm làm ra của HTX khá đa dạng, gồm cà phê hạt rang, cà phê bột và cà phê phin giấy. Tuy nhiên, số lượng sản xuất không nhiều. Trong năm 2017 sản xuất được 5 tấn cà phê thành phẩm, năm 2018 tăng lên 10 tấn và dự kiến năm 2019 là 20 tấn.

Chế biến cà phê
Chế biến cà phê

Ông Lương Thanh Hải – Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Hải Tình cho biết: “Khi thành lập rồi thì đầu ra cực kỳ khó khăn, tuyển một số nhân viên đi chào bán ở thị trường Kon Tum mình thì người ta làm được dăm bữa nửa tháng là người ta đều chán nản vì đầu ra ở mình rất khó. Hiện nay có đối tác ngoài Hà Nội có một đội ngũ đi chào mình phải có cách để chứng minh người ta thấy cà phê của mình là cà phê nguyên chất để thấy được thì thị trường các tỉnh phía bắc người ta đón nhận rất tốt”.

Mặc dù đã bắt đầu tìm được đầu ra cho sản phẩm của HTX nhưng có thể thấy khối lượng sản xuất vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của HTX. Đây cũng là khó khăn chung của hầu hết các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay. Ông Thái Quang Thanh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Kon Tum cho biết: “Phần lớn các HTX trên địa bàn tỉnh chưa quan tâm và thiếu thông tin thị trường, kiến thức và kinh nghiệm về phát triển thương hiệu còn nhiều hạn chế dẫn đến thiếu chiến lược về sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm, phải chấp nhận bán sản phẩm thông qua thương lái và doanh nghiệp với giá trị thấp”.

Để phát triển bền vững các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị và hạn chế rủi ro về giá cả trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, chú trọng việc nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu và quảng bá sản phẩm.

Nguyễn Thu – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *