(kontumtv.vn) – Huyện biên giới Ngọc Hồi (Kon Tum) có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế – xã hội. Phát huy những tiềm năng sẵn có, năm 2017, huyện Ngọc Hồi tiếp tục khẳng định vị thế và vai trò của 1 trong 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh với mức tăng trưởng khá, chất lượng cuộc sống nhân dân không ngừng được nâng lên.

Nhìn những cây cà phê nặng trĩu quả, ít ai đoán được đây là vườn cà phê  đã trồng cách đây 17 năm. Với sản lượng luôn đạt trên 6 tấn nhân/ha, vườn cà phê chính là niềm tự hào của Bùi Công Duyệt, một trong những người đầu tiên đưa cây cà phê về trồng tại xã Đăk Xú (Ngọc Hồi). Dù đất đai cằn cỗi, nhưng nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật và nỗ lực chăm sóc nên sản lượng cà phê thu hoạch của gia đình ông luôn cao hơn từ 20 đến 30% so với các hộ trồng cà phê trong vùng. Ông Duyệt chia sẻ: “Trồng cây cà phê trên đất Ngọc Hồi này thì cơ bản là phải chọn giống, rất quan trọng. Sau khi đã trồng rồi khâu chăm bón để duy trì, nuôi dưỡng cây sao cho năng suất cao và tuổi thọ kéo dài thì cũng cầu kỳ. Thực ra không khó lắm nhưng phải kiên trì. Bởi vì đất đây không phù hợp lắm nên  mình phải lấy công sức và áp dụng khoa học để nghiên cứu, nuôi dưỡng cây cà phê để đạt hiệu quả cao hơn”.

Thị trấn Plei Kần
Thị trấn Plei Kần, Ngọc Hồi

Có thể khẳng định rằng chính sự chủ động trong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã tạo nên những khởi sắc của nông nghiệp Ngọc Hồi hiện nay. Năm 2017, giá trị sản xuất nông – lâm – thủy sản của huyện ước đạt 980 tỷ đồng, tăng gần 5% so với năm 2016 và tăng 10% so với kế hoạch. Diện tích gieo trồng cây hàng năm ước thực hiện gần 7.000 ha, đạt 103% so với kế hoạch. Tổng diện tích cây lâu năm gần 13.300 ha. Bên cạnh năng suất được nâng lên, giá trị của các sản phẩm nông nghiệp cũng tăng đáng kể nhờ hoạt động sơ chế, chế biến bắt đầu hình thành và phát triển. Ông Nguyễn Cường, Phó Phòng NN&PTNT huyện Ngọc Hồi nói: “Ý thức chú trọng đầu tư cũng như về quy trình kỹ thuật đối với cây trồng, vật nuôi, đến nay đa số nhân dân trên địa bàn Ngọc Hồi đã ý thức được điều đó và tìm tòi, học hỏi, tiếp cận khoa học kỹ thuật mới trao đổi kinh nghiệm với nhau để sản xuất và tăng thêm thu nhập. Việc nâng cao sản phẩm, hiệu quả sản xuất có ý nghĩa thúc đẩy nền nông nghiệp huyện Ngọc Hồi phát triển bền vững và làm thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới”.

Bên cạnh đó, cùng với những bước tiến của nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và thương mại huyện Ngọc Hồi cũng đạt kết quả nhất định. Giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng đạt 1.500 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Giá trị ngành thương mại – dịch vụ ước đạt 3.250 tỷ đồng, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ. Ông Nguyễn Đức Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã Vạn Thành, huyện Ngọc Hồi cho biết: “Mình khai thác đá, cát cung cấp thị trường cho 3 huyện Ngọc Hồi, Đăk Tô và Đăk Glei. Tôi có lợi thế có đá, mỏ đá nên mạnh dạn đầu tư thêm gạch không nung. Nhà nước cũng đang có xu hướng giảm thiểu gạch nung để bảo vệ môi trường thì tôi cũng đầu tư hơn 2 tỷ đồng xây dựng nhà máy gạch không nung. Gạch ra thì tiêu thụ cũng được, người dân bắt đầu có xu hướng sử dụng gạch không nung”.

Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh duy trì hoạt động ổn định, quy mô ngày càng mở rộng, hàng hóa dồi dào, phong phú về mẫu mã và chủng loại, cơ bản đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng ngày của nhân dân.

Năm 2017, huyện Ngọc Hồi tiếp tục thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới. Huyện tập trung nguồn vốn thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, nhất là về xây dựng đường giao thông nông thôn, nâng cấp cơ sở y tế, trường học, nhà cộng đồng và khu vui chơi, thể dục thể thao. Đến nay, 100% thôn có điểm vui chơi sinh hoạt cộng đồng. 5/7 xã có tỉ lệ hộ nghèo dưới 7%. 5/7 xã có trạm y tế đạt chuẩn. 83% dân cư nông thôn tham gia bảo hiểm y tế. Đặc biệt, huyện có 2 xã là Đăk Nông và Đăk Kan đạt chuẩn nông thôn mới. Những kết quả đạt được đã thay đổi tích cực bộ mặt nông thôn ở Ngọc Hồi, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.

Tổng giá trị sản xuất của huyện năm 2017 ước đạt 5.730 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2016. Thu ngân sách nhà nước 546 tỷ đồng, tăng 26% dự toán tỉnh giao. Tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn khoảng 1.260 hộ, chiếm 7,7% dân số. Đạt được những thành tựu trên là nhờ sự lãnh đạo kịp thời, đúng đắn của Huyện ủy, giám sát của HĐND huyện, điều hành của UBND huyện và sự nỗ lực của các cấp, ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội. Ông Mai Văn Hữu, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi cho biết: “Trong năm 2017, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của toàn thể nhân dân trên địa bàn huyện, tình hình phát triển kinh tế – xã hội của huyện đạt kết quả hết sức khả quan. Nhiều chỉ tiêu về kinh tế đạt và vượt chỉ tiêu đã đề ra. Y tế, giáo dục phát triển, trong đó 21/36 trường đạt chuẩn quốc gia. Các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao diễn ra sôi nổi. Đại hội thể thao cấp huyện diễn ra thành công. Bên cạnh đó tình hình trật tự, an ninh xã hội được đảm bảo. Năm 2017 là năm thứ 2 thực hiện kế hoạch về phát triển kinh tế – xã hội 2016 – 2020, năm 2017 huyện đã đặt ra những chỉ tiêu bản lề để đạt được chỉ tiêu phấn đấu thành lập thị xã Ngọc Hồi trước năm 2020”.

Về huyện biên giới Ngọc Hồi hôm nay, diện mạo đã có nhiều thay đổi, nhiều ngôi nhà đã được làm mới và sửa chữa khang trang, sạch đẹp. Những con đường được bê tông hóa, trung tâm thương mại luôn tấp nập người bán, người mua, nhiều công trình đô thị được cải tạo, nâng cấp…Tất cả đang tạo nên bức tranh sinh động, nhiều màu sắc, minh chứng cho đời sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân trên địa bàn huyện.

Hà My – Đức Thắng

                                                                                                 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *