(kontumtv.vn) – Cùng với sự phát triển chung của tỉnh Kon Tum sau 25 năm thành lập lại, huyện biên giới Ngọc Hồi đã có sự khởi sắc đáng kể. Kết cấu hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ, đời sống người dân ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm. Với những khởi sắc ấy, Ngọc Hồi đang nỗ lực tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng địa phương trở thành thị xã vào nửa đầu nhiệm kỳ 2015-2020.

Cách trung tâm thị trấn Plei Kần gần 20 km, Bờ Y là vùng đất ngã ba biên giới của 3 nước Việt Nam – Lào- Campuchia, là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào Kdong và Brâu. Từ năm 1992, theo chủ trương xây dựng kinh  tế mới, nhiều dân tộc thiểu số phía Bắc đã đến sinh sống trên vùng đất này. Người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề làm nương rẫy. Dù đất đai nơi vùng biên giới khô cằn, song bằng ý chí, nghị lực, các dân tộc anh em sinh sống nơi đây đã khai hoang vỡ hóa, phủ xanh đất trống đồi trọc bằng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, nhờ sự đầu tư xây dựng Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, đã tạo tiền đề để vùng đất biên giới Bờ Y vươn mình trỗi dậy, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Ông Trần Đức Long (thôn Măng Tôn, xã Bờ Y) cho biết: “Thời kỳ trước vùng đất này vẫn còn heo hút, đời sống bà con các dân tộc ở đây còn khó khăn, du canh du cư. Sau năm 2000 đến nay, đường sá được mở, điện, đường, trạm được nâng cấp lên thì đời sống nhân dân đã được nâng lên. Đặc biệt từ năm 2010 đến nay thì đời sống của người dân ở đây rất tốt”.

Đường lên xã biên giới Bờ Y
Đường lên xã biên giới Bờ Y

“Xã Bờ Y những năm gần đây thay đổi rất lớn, đặc biệt là việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu Kinh tế Cửa khẩu, với tiềm năng, lợi thế sẵn có nên thương mại, dịch vụ, xây dựng, du lịch trên địa bàn trong những năm qua phát triển khá và liên tục tăng qua các năm. Đặc biệt lượng khách đến đây tăng hàng năm”. Ông Nguyễn Văn Tôn, Bí thư Đảng ủy xã Bờ Y nói.

Vượt qua những khó khăn, thách thức của những năm đầu thành lập lại tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Ngọc Hồi đã ra sức xây dựng quê hương này càng phát triển. Đặc biệt, thực hiện Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới, với phương châm “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, người dân địa phương đã đoàn kết, đồng lòng, phát huy nội lực, sẵn sàng hiến đất xây dựng các công trình công cộng, làm đường bê tông nông thôn, xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư.  Qua đó, tạo nên diện mạo mới cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Bà Y Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi nói: “ Xây dựng nông thôn mới được bà con hết sức quan tâm, ủng hộ, diện mạo đời sống của bà con ngày càng phát triển. Đặc biệt trong năm 2016, với tổng số hơn 4.000 hộ, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm còn 122 hộ, cận nghèo còn 100 hộ”.

Cùng với sự phát triển chung của tỉnh, bắt đầu từ năm 2011, huyện Ngọc Hồi nỗ lực phấn đấu xây dựng địa phương đạt tiêu chí thị xã vào nửa đầu nhiệm kỳ 2015-2020. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Ngọc Hồi đã chung sức, đồng lòng phát triển kinh tế, đẩy mạnh công tác giảm nghèo, xây dựng  kết cấu hạ tầng, tạo nên diện mạo mới trên  vùng biên giới. Đến nay, Ngọc Hồi đã đạt 8/9 tiêu chí của thị xã thuộc tỉnh.Ông Châu Ngọc Lân, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ngọc Hồi cho biết: “Huyện ủy đang chỉ đạo UBND huyện và các cơ quan liên quan tiếp tục khảo sát, đánh giá số liệu để xây dựng Đề án thành lập thị xã Ngọc Hồi và các phường trực thuộc. Trong đó tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình hạ tầng đô thị. Với sự quan tâm của Trung ương, Tỉnh ủy, sự phấn đấu nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp và sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân, chúng tôi tin tưởng huyện Ngọc Hồi sẽ hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện thành thị xã vào nửa đầu nhiệm kỳ 2015-2020”.

Sự phát triển của huyện Ngọc Hồi đã và đang góp phần tích cực trong sự phát triển chung của tỉnh, là minh chứng rõ nét thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ, sự nỗ lực quyết tâm của chính quyền địa phương, sự đoàn kết đồng lòng của nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum trong suốt  25 năm qua, kể từ khi thành lập lại tỉnh đến nay.

                                                                               Thanh Tùng – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *