(kontumtv.vn) – Năm 2019 khép lại với sự phát triển mạnh mẽ của các loại cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum, cả về diện tích lẫn giá trị kinh tế mang lại. Nhờ nguồn thu nhập ổn định hàng năm, dược liệu đã và đang trở thành cây trồng giảm nghèo bền vững cho bà con tại vùng Đông Trường Sơn của tỉnh, được người dân hưởng ứng nhân rộng.
Đã nhiều năm nay, bà con ở các vùng khó khăn của huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông phấn khởi vì có được nguồn thu ổn định từ cây dược liệu. Với mức giá sâm dây thu bán tại chỗ từ 60 – 70.000/kg, sâm đương quy là 50.000/kg… có thể nói, cây dược liệu không chỉ giúp cho bà con cải thiện được cuộc sống hàng ngày, mà còn có điều kiện để sắm sửa, ăn Tết đủ đầy hơn sau mỗi vụ thu hoạch cuối năm.
Anh A Vương (xã Măng Cành, Kon Plông) nói: “ Bà con trong làng trồng sâm đương quy thấy rất là hiệu quả, nhanh có tiền hơn so với cây mì, nên mọi người trong làng cũng như bản thân tôi cố gắng trồng nhiều sâm đương quy. Được Nhà nước hỗ trợ giống cho bà con rất là phấn khởi trồng. Gia đình tôi đã thu được 2.500 gốc, còn 2.500 gốc nữa sẽ thu xong trước Tết, có đủ tiền ăn Tết vui vẻ”.
Năm 2016, mô hình trồng cây dược liệu bắt đầu được triển khai thí điểm tại các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông, chủ yếu là cây sâm đương quy và sâm dây. Với giá trị kinh tế mang lại, những cây trồng truyền thống đang dần được thay thế vào đó là những rẫy sâm bạt ngàn phủ khắp đồi núi. Ông A Min, Phó Chủ tịch HĐND xã Ngọc Linh, Đăk Glei cho biết: “Sau khi bà con thực hiện mô hình trồng cây dược liệu, thấy thu nhập mỗi năm tương đối khá. Bây giờ bà con rất mong muốn mở rộng thêm diện tích để có nguồn thu nhập từ cây dược liệu hằng năm. Trước đây bà con rất khó khăn, bây giờ cuộc sống ngày càng được nâng cao lên, bà con rất phấn khởi vì thu nhập có hộ tới 20 triệu – 30 triệu đồng/năm”.
Thu nhập 20 – 30 triệu đồng/năm là đối với trên diện tích 01 sào sâm dây từ sự hỗ trợ ban đầu của Nhà nước. Còn hiện nay, nhiều hộ dân đã tự nhân giống, mở rộng diện tích với mong muốn thoát khỏi cái nghèo, có được nguồn thu nhập bền vững. Anh A Móc (xã Ngọc Lây, Tu Mơ Rông) nói: “Ngày xưa bà con không biết trồng cây dược liệu này. Dược liệu có giá trị về kinh tế, nâng cao thu nhập. Được Nhà nước hỗ trợ một phần giống, bà con tự kiếm giống để trồng. Năm vừa rồi gia đình tôi trồng được 03 sào. Năm tới tiếp tục mở rộng diện tích, nhân giống để tiếp tục phát triển, nâng cao thu nhập, ổn định thu nhập, phát triển kinh tế cho gia đình”.
Năm 2018, tỉnh Kon Tum bắt đầu thực hiện Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu, với 10 loại dược liệu chủ lực, trong đó hỗ trợ phân bón, giống cây dược liệu cho bà con. Đồng thời thu hút các doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu sản phẩm, thúc đẩy liên kết giữa 03 nhà, là Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Anh Trần Thanh Bình, Quản lý nhà máy Công ty Cổ phần Nước giải khát Ngọc Linh cho biết: “Trong thời gian vừa rồi, công ty đã ký kết hợp đồng thu sản phẩm nông sản của bà con. Hiện tại chúng tôi vừa mới hoàn thành giai đoạn lắp đặt máy và đang trong thời gian chạy thử và quảng bá sản phẩm ban đầu, trong thời gian thâm nhập thị trường. Hiện tại công ty thu mua sâm tươi với giá 60 – 80.000/kg tùy loại, sâm khô thì từ 500 – 600.000/kg”.
Ngoài việc thu hút nhà đầu tư bao tiêu sản phẩm, việc liên kết sản xuất với các doanh nghiệp phát triển dược liệu cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng được đánh giá là một mô hình mang lại nhiều lợi ích lâu dài, từ xóa đói giảm nghèo cho đến việc giữ rừng. Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Hiện nay trên địa bàn 3 xã Măng Ri, Tê Xăng và Ngọc Lây đã liên kết với Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh để trồng và phát triển cây sâm Ngọc Linh. Hiện nay có 500 hộ dân đang liên kết với công ty. Hiện theo mô hình là công ty phát triển trồng sâm tại làng nào thì liên kết với thôn, làng đó để trồng cây sâm Ngọc Linh. Ngoài hỗ trợ của công ty, bà con bằng vốn tự có của mình, từ nguồn hỗ trợ của huyện, của xã, bà còn phát triển thêm được vùng sâm riêng của mình nữa. Trong tương lai, 5 – 10 năm sau, hy vọng rằng bà con ở ba vùng của xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lây, vùng trồng sâm hiện nay sẽ thoát được nghèo sớm nhất trên địa bàn của huyện”.
Tỉnh Kon Tum đã hình thành chuỗi cung ứng cho các cơ sở chế biến dược liệu trên địa bàn, tạo cơ hội cho các nhà doanh nghiệp đầu tư, gắn với xây dựng sinh kế cho bà con DTTS ở những vùng có điều kiện thích hợp để phát triển các loại cây dược liệu mang tính bền vững và lâu dài. Ông Trần Văn Chương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum nói: “Trong thời gian tới đây, ngành tham mưu cho tỉnh tổ chức thực hiện tốt Đề án phát triển cây dược liệu đã được ban hành. Thứ hai trình Bộ NN&PTNT đưa một số giống cây dược liệu có giá trị kinh tế cao như cây sâm Ngọc linh, cây lan kim tuyến vào các danh mục được phép sản xuất kinh doanh, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư có cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện. Ngành đã tham mưu cho tỉnh, cho HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 10 về việc đơn giá cho thuê rừng, để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phát triển các cây dược liệu dưới tán rừng, đặc biệt đối với cây sâm Ngọc linh. Chúng tôi cũng đã trình Bộ NN&PTNT đề nghị với Chính phủ cho phép sản xuất kinh doanh trồng sâm dưới tán rừng đặc dụng. Một việc nữa trong việc phát triển trong lĩnh vực đột phá, chúng tôi coi trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với việc phát triển đề án dược liệu, để làm một trong các lĩnh vực đột phá trong ngành NN&PTNT năm 2020 và những năm tiếp theo”.
Việc đầu tư phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum có những lợi thế nhất định so với các loại cây trồng khác, phù hợp với tập tục canh tác nương rẫy của bà con, có ý nghĩa trong việc xóa đói giảm nghèo tại các vùng DTTS, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, từng bước xây dựng bộ mặt nông thôn vùng sâu, vùng xa khởi sắc hơn.
Hơ Jan – Alê Khăm – Quang Mẫn