(kontumtv.vn) – Tình trạng người bán sâm Ngọc Linh trà trộn và thay thế bằng củ tam thất diễn ra khá phổ biến trong nhiều năm qua. Điều này làm mất đi giá trị, uy tín của thương hiệu Sâm Ngọc Linh. Theo chuyên gia và người có kinh nghiệm nhiều năm công tác, sinh sống tại khu vực trồng sâm Ngọc Linh thì việc phân biệt sâm Ngọc Linh và tam thất là điều không khó.

Theo ông A Sỹ, Bí thư Đảng bộ xã Măng Ri (Tu Mơ Rông, Kon Tum), người có nhiều kinh nghiệm về sâm Ngọc Linh cho biết, lá sâm Ngọc Linh thường chỉ có 5 lá, trong khi đó, tam thất phổ biến từ 6 – 7 lá. Ngoài ra, quá trình sinh trưởng của 2 loại cây này khác nhau.

Hướng dẫn phân biệt sâm Ngọc Linh và củ tam thất
Hướng dẫn phân biệt sâm Ngọc Linh và củ tam thất

Ông Vương Văn Mười, người đã có hơn 20 năm tiếp xúc với sâm Ngọc Linh cho biết việc phân biệt sâm Ngọc Linh với tam thất rất dễ dàng: “Thứ nhất, củ sâm Ngọc Linh, mỗi năm là một nấc rồi mọc so le với nhau. Năm nay nó mọc nấc bên này, năm sau lại mọc nấc bên kia. Có nghĩa là nó so le ra và khoảng cách của từng đốt sâm thì nó rộng. Hai nữa củ sâm Ngọc Linh bề da ở ngoài là láng, không sần sùi. Còn đối với củ tam thất, mỗi năm có một lá nhưng nó lại mọc về  một bên, không mọc so le. Cái thứ hai nữa là khoảng cách đốt giữa hai lá là nấc sâm nó ngắn. Thứ ba nữa củ nó sần sùi, đen, nên đối với những người đã trồng sâm rồi thì người ta sẽ phát hiện ra ngay đâu là sâm Ngọc Linh, đâu là củ tam thất hoang. Còn hiện nay, cái mà bà con không phát hiện được là hạt mầm của cây sâm. Hạt của cây tam thất và hạt của cây sâm  giống nhau nên khi mà bà con mua, ươm hạt thì bà con sẽ không phát hiện ra. Nhưng nếu trồng mầm theo củ thì bà con sẽ phát hiện ra”.

Ngoài ra, những người có kinh nghiệm cho biết, củ sâm Ngọc Linh sau khi rửa sạch sẽ có màu vàng nâu và màu xanh xám, trong khi đó củ tam thất có màu sẫm đen. Sâm Ngọc Linh có mùi thơm đặc trưng, nhai lát sâm ban đầu có vị đắng, sau đó ngọt dần ở cuống họng. Trong khi đó tam thất không có mùi thơm, nhai lát tam thất sẽ chỉ cảm nhận vị đắng chát khó chịu. Dựa vào những điều này, người mua sâm Ngọc Linh có thể phần nào phân biệt sâm thật với các loại sâm giả khác. Tuy vậy, khuyến cáo vẫn là cần phải tìm hiểu kỹ nguồn gốc, xuất xứ của sâm trước khi mua. Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông nói: “Hiện nay, trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông chưa có cơ sở nào kinh doanh, buôn bán sâm Ngọc Linh của Tu Mơ rông, Kon Tum hết. Nhưng hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại sâm đang bán, thì khẳng định được rằng, đó không phải là sâm Ngọc Linh của Tu Mơ Rông, Kon Tum”.

Hiện trên địa bàn tỉnh Kon Tum mới chỉ có 4 doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm có nguồn gốc từ sâm Ngọc Linh. Đó là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô, Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum, Công ty Cổ phần Rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty TNHH Thái Hòa. Thực tế, các đơn vị này đang trong giai đoạn đầu tư, hoạt động thử nghiệm nên hiện vẫn chưa có sản phẩm bán chính thức trên thị trường. Vì vậy, người mua cần hết sức cảnh giác và thận trọng đối với các sản phẩm sâm Ngọc Linh không rõ nguồn gốc, được rao bán tràn lan hiện nay.

Thu Trang – Tấn Thành 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *