Một “Dự thảo sửa đổi Biện pháp thực hiện Luật Ngư nghiệp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của tỉnh Hải Nam” vừa được Ủy ban Thường vụ Nhân dân tỉnh Hải Nam, Trung Quốc thông qua đã vấp phải phản ứng gay gắt của các nước trong khu vực.
Ngư dân Lý Sơn vẫn vươn khơi bất chấp mọi hiểm nguy rình rập trên biển |
Theo quy định của phía Trung Quốc, từ ngày 1/1/2014, các tàu cá nước ngoài phải xin giấy phép của Trung Quốc mới được thăm dò hoặc đánh bắt cá tại hai phần ba Biển Đông, nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa nước này và một số nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Theo đó, các tàu cá nước ngoài tự ý đi vào vùng nước trên Biển Đông mà họ tuyên bố do tỉnh Hải Nam quản lý để thực hiện sản xuất ngư nghiệp và các hoạt động điều tra tài nguyên nghề cá sẽ bị xua đuổi, có thể bị tịch thu tài sản, xử phạt hành chính… Trong một số trường hợp, thủy thủ đoàn các tàu cá có thể bị truy tố theo luật pháp Trung Quốc.
Ai cũng hiểu rằng, “luật” mà Trung Quốc đưa ra chỉ có giá trị đối với Trung Quốc và ngư dân Trung Quốc chứ không thể áp dụng đối với ngư dân các nước, trong đó có Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị tuyên bố: “Những động thái của phía Trung Quốc là bất hợp pháp và vô giá trị”.
Bộ Ngoại giao Philipine yêu cầu phía Trung Quốc “làm rõ ngay lập tức” quy định mới này và khẳng định Trung Quốc đang “vi phạm nghiêm trọng quyền tự do hàng hải và đánh bắt cá của tất cả các quốc gia tại vùng biển quốc tế” được ghi trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).
“Việc thực hiện các hành động đơn phương của Trung Quốc như thể đang ở trong chính hải phận của mình cùng với việc áp đặt các lệnh giới hạn các tàu đánh bắt cá tại khu vực này là những điều mà dư luận quốc tế không thể chấp nhận nổi”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Onodera lên tiếng.
Và trước đó, Mỹ đã gọi những quy định này là “cố tình khiêu khích và gây ra những nguy cơ tiềm ẩn.”
Phải khẳng định rằng, Trung Quốc không phải là “ông chủ” trên biển Đông và cũng không có luật pháp quốc tế nào công nhận điều đó. Với những vùng biển đang có tranh chấp trên biển Đông, thì không chỉ có ngư dân Trung Quốc hay Việt Nam đánh cá ở đó, mà còn có ngư dân của nhiều quốc gia khác trong khu vực. Ở nơi đó, một “luật” đơn phương của một quốc gia nào cấm đánh bắt cá cũng là không thích hợp và hoàn toàn trái luật pháp quốc tế
Với phương châm “tạo dựng biển Đông thành một vùng biển hoà bình và hợp tác”, Việt Nam luôn hướng giải quyết những tranh chấp, xung đột trên biển một cách thân thiện, trên tinh thần hợp tác, tôn trọng lẫn nhau. Ứng xử trên biển Đông đòi hỏi không một quốc gia nào có thể làm trái với luật lệ quốc tế, và cũng không một quốc gia nào đưa ra luận điểm ngang ngược kiểu “biên giới mềm” để từ đó coi vùng đất, vùng biển của các nước khác có thể xê dịch bằng thứ lý lẽ lấy được.
Đây cũng không phải lần đầu tiên Trung Quốc đơn phương đưa ra “luật” vô lý này. Và cũng không phải lần đầu tiên Việt Nam chính thức bác bỏ nó.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cũng ra thông báo về thời gian nghỉ đánh bắt cá bằng lưới tại một số khu vực thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Phía Trung Quốc mới đây còn cho ra mắt trang mạng và tờ báo giấy đầu tiên của cái gọi là “Thành phố Tam Sa”; nâng cấp cải tạo trạm khí tượng tự động ở một số bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam…Việt Nam cực lực phản đối những hành động sai trái, vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên biển Đông.
Hành trang ngư dân Việt Nam mang theo vươn khơi là tình yêu biển và khát vọng hòa bình (Ảnh VTC 14) |
Vì chủ quyền quốc gia, vì cuộc sống của gia đình mình, ngư dân Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục ra khơi đánh cá trên những vùng biển quen thuộc. Không có lý do gì khiến ngư dân phải nằm bờ, không điều gì có thể làm họ chùn bước và ngăn những con tàu vươn khơi vì tình yêu với biển và vì mưu sinh cho cuộc sống của mỗi mái ấm gia đình.
Những ngư dân Việt Nam làm công việc quen thuộc từ bao đời nay và khiêm nhường xin lộc biển. Cái mà họ mang theo mình khi vươn khơi chính là tình yêu biển quê hương, là mục tiêu lao động nghề cá để nuôi sống gia đình. Họ là sứ giả của hoà bình và hữu nghị giữa những người đánh cá trên biển Đông không phân biệt quốc tịch.
Những người con của biển vẫn vươn khơi để mang về những mẻ cá đầy, bởi chứa đựng trong đó là niềm kiêu hãnh và sự tự hào mà họ biết mình không hề đơn độc./.
Tuyết Yến/VOV online