(kontumtv.vn) – Không thực hiện xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử, thì gửi văn bản điện tử cũng chỉ là đối phó.

Chiều 5/12, tại trụ sở Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng đã làm việc với 9 địa phương để kiểm tra tình hình triển khai nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính.

Buổi làm việc có sự tham gia của đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Quảng Ninh và các cơ quan liên quan.

to cong tac cua thu tuong lam viec voi 9 dia phuong ve cai cach hanh chinh hinh 1
Chính phủ điện tử ở địa phương triển khai còn chậm. (Ảnh minh họa: KT)

Theo báo cáo, các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Bên cạnh đó, một số địa phương đã phê duyệt và triển khai đề án xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh; xây dựng Nghị quyết Ứng dụng công nghệ thông tin gắn với Chính quyền điện tử…

Các địa phương cũng đã xây dựng, triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh, tích hợp, kết nối liên thông và chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin trong nội bộ tỉnh và với các hệ thống thông tin của các bộ, ngành.

Cùng với đó, các địa phương đã và đang triển khai nâng cấp, hoàn thiện Cổng Dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước theo hướng công khai, minh bạch, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính Phủ), Thường trực Tổ công tác của Thủ tướng ,vẫn còn một số nhiệm vụ triển khai chậm và chưa đáp ứng yêu cầu. Việc ứng dụng chữ ký số vào phần mềm quản lý văn bản và điều hành tại một số địa phương chưa được triển khai đầy đủ. Tỷ lệ văn bản ký số trên tổng số văn bản điện tử gửi đến Văn phòng chính phủ của một số địa phương còn chưa cao.

“Các địa phương cần triển khai đồng bộ việc xử lý, giải quyết công việc trên môi trường điện tử. Nếu không thực hiện xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử, thì gửi văn bản điện tử cũng chỉ là đối phó” – ông Ngô Hải Phan nói.

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính cũng đề nghị các địa phương tuân thủ các quy định về thời gian gửi nhận văn bản, cập nhật đầy đủ nội dung thông tin bảo đảm đúng thể thức văn bản phát hành, gửi văn bản điện tử đúng thẩm quyền, phải có chữ ký số với nội dung đính kèm.

Cùng với đó là đề cao vai trò của cán bộ văn thư lưu trữ trong công tác rà soát kiểm tra thành phần văn bản trước khi gửi qua trục liên thông văn bản quốc gia.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách hành chính.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La, Lai Châu, các địa phương ở miền núi phía Bắc gặp một số khó khăn về nguồn kinh phí hạn hẹp, thiếu cán bộ, nhân lực công nghệ thông tin, dân trí chưa cao, khả năng tiếp cận thông tin, phương tiện máy móc ứng dụng công nghệ thông tin của người dân còn chưa đồng đều, người dân vẫn còn thói quen giao dịch trực tiếp với cơ quan hành chính nhà nước…

Đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu, về định danh và xác thực điện tử cho cá nhân, tổ chức, công tác văn thư và thủ tục hành chính trên môi trường điện tử./.

Phương Thoa/VOV1

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *