(kontumtv.vn) – Nhằm kiểm tra, xác định năng lực sản xuất, bảo tồn và phát triển bền vững cây đẳng sâm của các cơ sở trồng đẳng sâm trên địa bàn huyện Kon Plông, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Kon Plông trực tiếp tổ chức kiểm tra, làm việc với các cơ sở trên địa bàn.

Theo Nghị định 06/2019 Chính phủ, hiện nay huyện Kon Plông có 2 loại thực vật được trồng tại các cơ sở thuộc danh mục thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm là đẳng sâm và lan kim tuyến. Trong đó, đẳng sâm thuộc phụ lục IIA do Chi cục Kiểm lâm tỉnh quản lý; lan kim tuyến thuộc phụ lục IA do cơ quan CITES Việt Nam quản lý.

Qua kiểm tra của đoàn cho thấy, gần 10 ha đẳng sâm của 7 cơ sở đều đủ điều kiện trồng. Sâm được trồng thành luống dưới tán cây rừng hoặc làm giàn che ở những khu vực không có cây che bóng. Nguồn gốc sâm từ hạt giống gieo ươm hoặc di thực từ địa phương khác tới; cây phát triển tốt, không có sâu bệnh.

Kiểm tra các cơ sở trồng đẳng sâm
Kiểm tra các cơ sở trồng đẳng sâm

Đoàn kiểm tra đã hướng dẫn các cơ sở trồng đẳng sâm hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị cấp mã số cơ sở trồng và cập nhật sổ theo dõi cơ sở trồng thực vật nguy cấp, quý, hiếm và thực vật hoang dã gửi đến cơ quan chức năng. Ông Lê Hữu Có, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Kon Plông nói: “Về đăng ký cơ sở nuôi trồng được thực vật hoang dã nguy cấp quý hiếm về lâu dài có lợi cho cho các cơ sở nuôi trồng. Đó là một căn cứ để sau này nguồn thực vật người trồng sẽ được lưu thông trong nước và căn cứ để xuất khẩu, là nguồn lợi chính đáng của các cơ sở đăng ký nuôi trồng thực vật hoang dã nguy cấp quý hiếm”.

Ngoài đợt kiểm tra này, Kiểm lâm địa bàn các xã Đăk Long và Măng Cành đã tích cực phối hợp với các ban, ngành của xã tới từng cơ sở tuyên truyền về Nghị định 06/2019 Chính phủ, vận động các cơ sở trồng thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn lập hồ sơ đề nghị cấp mã số cơ sở trồng theo quy định. Anh Trương Đức Tuyến, Kiểm lâm địa bàn xã Măng Cành, huyện Kon Plông cho biết: “Các doanh nghiệp đã nhận thức rất rõ và rất phấn khởi có Nghị định 06 tạo điều kiện các doanh nghiệp có một cơ sở sau này thuận tiện trong việc kinh doanh và buôn bán, người ta rất ủng hộ”.

“Việc làm hồ sơ này không gây khó khăn gì cho hợp tác xã và rất phù hợp với tình hình thực tiễn. Bởi vì đây cũng là một dịp để cho hợp tác xã bảo tồn và nuôi trồng sâm dây đúng chất lượng giống”. Ông Bùi Quang Đạo, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tuyết Sơn (thôn Kon Tu Ma, xã Măng Cành, huyện Kon Plông) nói.

Việc lập hồ sơ đề nghị cấp mã số cơ sở trồng thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm nhằm mang lại lợi ích trực tiếp cho các cơ sở trồng, kinh doanh và cả cơ quan quản lý. Thông qua mã số cơ sở có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc cũng như tạo cơ sở hợp pháp trong kinh doanh, thương mại.

Nguyễn Thu – Quang Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *