Cách đây 45 năm,ngày 2-7 năm 1976, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Việt Nam thống nhất, QH khóa VI, nhiệm kỳ 1976 – 1981 đã nhất trí thông qua các Nghị quyết về tên nước, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca và Thủ đô. Đây là những quyết sách quan trọng của kỳ họp, đặc biệt là việc quyết định đổi tên nước thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Chính nhờ kiên định mục tiêu, lý tưởng theo con đường chủ nghĩa xã hội, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong hình trình phát triển.

Đường lối đổi mới đất nước được đề ra tại Đại hội VI, tháng 12 năm 1986 của Đảng Cộng sản Việt Nam, được Đại hội VII, VIII, IX, X, XI, XII và các hội nghị Ban Chấp hành Trung ương của Đảng bổ sung, cụ thể hóa và phát triển. Đường lối đó đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, được thực tiễn cuộc sống kiểm nghiệm, khẳng định là đúng đắn. Sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình với một nền kinh tế thị trường năng động, hội nhập mạnh mẽ. Riêng lĩnh vực kinh tế, Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng.

Trong giai đoạn đầu đổi mới 1986 – 1990, mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm chỉ đạt 4,4% thì giai đoạn 1991 – 1995, GDP bình quân đã tăng gấp đôi, đạt 8,2%/năm; các giai đoạn sau đó đều có mức tăng trưởng khá cao; giai đoạn 2016 – 2019 đạt mức bình quân 6,8%. Mặc dù năm 2020, kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 nhưng tốc độ tăng GDP của Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực, thế giới. Quy mô, trình độ nền kinh tế không ngừng được nâng lên, năm 1989 mới đạt 6,3 tỷ USD/năm thì đến năm 2020 đã đạt khoảng 268,4 tỷ USD/năm. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt, bình quân thu nhập đầu người năm 2020 đạt khoảng 2.750 USD/năm. Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn là một điểm đến tin cậy cho các nhà đầu tư với tổng vốn FDI đạt 28,5 tỷ USD. Việt Nam hiện là một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Riêng năm 2020, Việt Nam xếp thứ 22 thế giới về quy mô kim ngạch và năng lực xuất khẩu, đứng thứ 26 về quy mô thương mại quốc tế.

 Văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng nhận định “Ðất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Những thành tựu ấy do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quan trọng là Ðảng luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong quá trình đổi mới. Trong thành tựu chung của cả nước có sự đóng góp của tỉnh Kon Tum chúng ta. Trong những năm  qua, tỉnh Kon Tum đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế -xã hội. Có được kết quả này là nhờ trong quá trình lãnh chỉ đạo, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã bám sát vào tình hình thực tế ở địa phương, đưa ra những quyết sách quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân đúng theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, tình hình kinh tế – xã hội cả nước nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức khi tiếp tục thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”. Đặc biệt, Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới, kết cấu hạ tầng còn hạn chế, tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn còn diễn ra. Tuy nhiên, dưới sự giám sát, chỉ đạo điều hành quyết liệt của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và sự nỗ lực của các cấp ngành, tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh vẫn đạt được mức tăng trưởng khá.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng thu ngân sách Nhà nước ước khoảng 1.483 tỷ đồng, đạt 42,37% dự toán địa phương giao và tăng15,32%; Tổng chi ngân sách địa phương ước khoảng 4.489 tỷ đồng, đạt 44,09% nhiệm vụ chi và tăng9,04%. Ước tính vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn là 8.797,4 tỷ đồng, tăng 17,39%; Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 10,08%; Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt 11.909,8 tỷ đồng, tăng 17,4%;  Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 1,16%so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch.

Nhìn chung 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế – xã hội tiếp tục ổn định, phát triển và đạt được nhiều kết quả: thương mại, dịch vụ tăng so với cùng kỳ; các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, an sinh xã hội và giảm nghèo được triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng quy định; công tác phòng chống dịch Covid-19 triển khai chủ động, quyết liệt, hiệu quả; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo./.

                                                                Thanh Tùng – Đức Thắng

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *