(kontumtv.vn) – Năm 2018, kinh tế – xã hội huyện Kon Rẫy (Kon Tum) có nhiều chuyển biến tích cực, thu nhập bình quân đầu người tăng so với các năm trước, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt kết quả khả quan, nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện tại các địa phương, trong đó xã Tân Lập đạt 19 tiêu chí, cơ bản về đích nông thôn mới.

Xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy có hơn 1.100 hộ, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 23%, trong đó, hơn 250 hộ nghèo. Xác định đích đến của xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nên thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền xã Tân Lập tập trung triển khai việc thực hiện các tiêu chí giảm nghèo và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Năm 2018, xã còn hơn 90 hộ nghèo, chiếm khoảng 8%, giảm gần 14% so với năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người hơn 35,5 triệu đồng /năm. Bà Sái Thị Biên, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập nói: “Trong năm 2018, xã Tân Lập về đích nông thôn mới. Chính vì vậy, ngoài vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội của các hộ nghèo thì chính quyền chúng tôi cũng báo cáo UBND huyện hỗ trợ về con giống như bò, dê và cây giống thì chúng tôi cũng hỗ trợ bời lời và cây bắp. Thứ hai  chúng tôi hỗ trợ thêm vốn để bà con sản xuất và trồng cây cà phê để bà con thoát nghèo”.

Với đặc thù là một huyện thuần nông, Đảng bộ, chính quyền huyện Kon Rẫy xác định, để phát triển kinh tế – xã hội phải bắt đầu từ nông nghiệp, nông thôn, kết hợp với phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp của huyện ước đạt 260 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2017. Hiện nay, đã có 06 công trình thủy điện vừa và nhỏ hoạt động với tổng công suất hơn 37 MW, đóng góp cho ngân sách huyện gần 6 tỷ đồng. Dự kiến năm 2019, nhà máy chế biến tinh bột sắn ở xã Đăk Ruồng sẽ đi vào hoạt động, góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Năm 2018 huyện chú trọng nhân rộng, phát triển nhiều mô hình sản xuất cho thu nhập ổn định, giúp bà con vươn lên làm giàu. Ông Phan Mộng Hùng (thôn Kon Lỗ, xã Đăk Tờ Lung) nói: “Tất cả các loại cây ăn trái nó lại nặng đầu tư và doanh thu không liên tục hàng tháng như cây chuối cho nên tôi mới nghĩ ra trồng cây chuối, vì trồng một lần nếu chăm sóc tốt thu được 7, 8 năm, kém lắm cũng được 5 năm. Tôi trồng được 2.500 cây trên diện tích 3 ha. Như vậy cứ bình quân mỗi tháng tôi thu 12 – 13 triệu/đợt, cứ 15 ngày thì bán một đợt”.

Nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân đã từng bước tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống kinh tế – xã hội trên địa bàn. Hiện tại 04 xã đặc biệt khó khăn huyện Kon Rẫy, hơn 2.100 hộ đã được sử dụng nước sạch, gần 1.000 gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, hơn 1.000 hộ được công nhận Gia đình văn hóa; số hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm qua các năm, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 24 triệu đồng/năm. Ông Trần Lạc, Phó Bí thư Huyện ủy huyện Kon Rẫy cho biết: “Hiện nay toàn bộ hệ thống giao thông đã đến các thôn và một số thôn cơ bản có đường đến nơi sản xuất.  Các xã đặc biệt khó khăn đều có trường bán trú để cho các em ở nơi xa đến học và có thời gian để rèn luyện, có thời gian học thêm nữa thì chất lượng học sẽ nâng lên. Gần như 80 – 90% là nhà ba cứng rồi, đủ điều kiện để che ấm và không còn dột nát như trước kia, không còn tạm bợ như trước kia nữa, đủ điều kiện để dân yên tâm lao động sản xuất, thu nhập và lo cho con cái”.

Phát huy kết quả đạt được, năm 2019, huyện Kon Rẫy tiếp tục phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 26%; đảm bảo thu ngân sách trên địa bàn hơn 46 tỷ đồng; giảm 04% tỷ lệ sinh con thứ 03 trở lên; nỗ lực xây dựng nông thôn mới với mục tiêu phấn đấu xã Đăk Tờ Lung về đích nông thôn mới.

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *