(kontumtv.vn) – Tuy chưa bị thiệt hại nghiêm trọng như ở các huyện Sa Thầy, thành phố Kon Tum, nhưng tình hình khô hạn kéo dài đã gây không ít khó khăn trong sản xuất và đời sống của nhân dân huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum). Trước tình hình đó, các cấp chính quyền địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để chống hạn.

 Do ở vùng cao, nên gần 1 tháng qua, các giếng nước ở thôn 5 (xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy) đã cạn kiệt dần. Mặc dù người dân và chính quyền địa phương đã chủ động nạo vét giếng, nhưng vẫn không đủ nước, nên hầu hết các sinh hoạt của người dân đều nhờ công trình nước giọt tại thôn. Chị Y Đoak (thôn 5, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy) nói: “Hiện tại hầu hết các giếng ở thôn 5 xã Đăk Tờ Re đã cạn hết nước. Có vài hộ may ra còn ít nước. Phải bơm tiết kiệm để tích nước. Dùng nước chỉ dùng để ăn uống thôi, chứ tắm giặt thì phải ra sông suối”.

“Trên địa bàn, qua kiểm tra rà soát, có 143 giếng nước hiện đang thiếu nước. Xã đã chủ động, trước mắt là đã tổ chức nạo vét được 13 cái giếng, phục vụ cho một số hộ tập trung tại khu dân cư để đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân. Giải pháp trong thời gian tới, nếu nắng nóng kéo dài thì xã có phương án là dùng bồn nước để cấp nước lưu động con nhân dân”.Anh Huỳnh Quốc Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Re cho biết.

Cùng với khó khăn về nước sinh hoạt, Đăk Tờ Re cũng là một trong những xã trọng điểm về khô hạn của huyện Kon Rẫy. Đến thời điểm hiện nay, xã có trên 27 ha lúa bị thiếu nước tưới, trong đó phần lớn là nằm ở khu vực các khe suối nhỏ.

“Xã đã thực hiện nhiều biện pháp. Đối với các công trình thủy lợi thì tiến hành sửa chữa các tuyến kênh, cũng như vận động nhân dân nạo vét đầu đập và kênh mương thủy lợi để đảm bảo nước tưới. Bên cạnh đó cũng hướng dẫn nhân dân sử dụng, điều tiết nước hợp lý để đảm bảo nguồn nước tưới”. Anh Huỳnh Quốc Thái nói.

Hơn 230 giếng nước huyện Kon Rẫy đã bị khô cạn
Hơn 230 giếng nước huyện Kon Rẫy đã bị khô cạn

Tính đến ngày 23/3, khô hạn trên địa bàn huyện Kon Rẫy đã làm cho trên 100 ha cây trồng bị thiếu nước tưới, trong đó có hơn 98 ha lúa nước và 2 ha cây cà phê. Đồng thời đã có trên 230 giếng nước bị khô cạn, 25 công trình nước sinh hoạt tập trung bị cạn kiệt nguồn nước, không đáp ứng đủ nước sinh hoạt cho nhân dân. Trước tình hình đó, ngoài việc tuyên truyền, vận động nhân dân khai thác, sử dụng nguồn nước hợp lý, tiết kiệm, san sẻ, giúp đỡ nhau, huyện Kon Rẫy đã chủ động sử dụng kinh phí chống hạn để hỗ trợ các xã, thị trấn nạo vét các giếng sinh hoạt cho nhân dân; khai thông, nạo vét các cửa lấy nước, các công trình đầu mối; tu sửa, gia cố các đập thủy lợi, hạn chế thấp nhất thiệt hại gây ra. Anh Đào Thanh Sang, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Kon Rẫy cho biết: “Phòng đã tham mưu cho UBND huyện tăng cường biện pháp tuyên truyền, vận động người dân nạo vét kênh mương nội đồng. Thứ hai là rà soát các diện tích khô hạn để có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn. Tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các ngành xuống xã để phối hợp kịp thời với địa phương tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn người dân nạo vét những giếng nước sinh hoạt bị cạn; nạo vét đập đầu mối, bể lọc, sửa chữa những đoạn ống nước bị rò rỉ, có kế hoạch tiết kiệm nước để sử dụng’.

Với sự chủ động, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đến nay một số diện tích bị khô hạn đã được khắc phục. Tuy nhiên nếu tình trạng khô hạn tiếp tục kéo dài, khả năng diện tích thiếu nước tưới ở huyện Kon Rẫy sẽ lên đến 150 ha, tập trung chủ yếu ở diện tích lúa các khu vực khe suối và các công trình thủy lợi có độ dốc lớn. Mặc dù trong những ngày gần đây, trên địa bàn huyện Kon Rẫy đã có mưa nhỏ rải rác một số nơi, nhưng đây cũng là thời kỳ cao điểm của mùa đốt nương rẫy, mực nước ngầm bị tụt thấp nhất trong năm, nên nhiệm vụ chống hạn và phòng chống cháy rừng luôn được huyện Kon Rẫy xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách.

Quang Mẫn – Duy Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *