(kontumtv.vn) – Những ngày gần đây, Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Kon Tum liên tục tiếp nhận bệnh nhân nghi mắc bệnh bạch hầu. Các trường hợp đều có biểu hiện chung là đau họng, ho khan, sốt nhẹ, họng có giả mạc. 02 bệnh nhân dương tính với vi khuẩn bạch hầu đã tử vong.

Bà Y Phen (thôn Đăk Plò, xã Đăk Rơ Ông, huyện Tu Mơ Rông) đến giờ vẫn hoang mang và chưa thôi lo lắng trước diễn biến bệnh khó lường của cô con gái  26 tuổi. Con gái bà nhập viện ngày 8/10, đến nay vẫn được điều trị cách ly tại Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum. Bà Y Phen nói: “ Lúc trước nó sốt, nó bị sưng cái cổ, nhận ra là xuống khám ở dưới Đăk Tô, bác sĩ cho thuốc uống 03 ngày, uống rồi theo dõi 03 ngày nếu không bớt thì xuống khám lại. Đi khám lại rồi mới xuống đây. Không biết bệnh gì, không biết nó lây của ai”.

Bệnh nhân bạch hầu điều trị tại BVĐK tỉnh Kon Tum
Bệnh nhân bạch hầu điều trị tại BVĐK tỉnh Kon Tum

Trong 8 ngày, từ 2 – 9/10, Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum liên tục tiếp nhận các trường hợp nghi mắc bệnh bạch cầu. Đến nay, 02 trường hợp đã có kết luận chính thức là dương tính với vi khuẩn bạch hầu. 01 trường hợp đã tử vong do biến chứng của bệnh. Như vậy, chỉ trong vòng 04 tháng, từ tháng 5 đến đầu tháng 10/2018, toàn tỉnh ghi nhận 02 ca tử vong vì  bạch hầu. Bác sĩ Ngô Đây, Trưởng Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cho biết: “So với các năm trước thì năm nay là đột biến rất lớn, bởi vì so với các năm trước thì năm nay mới có mấy tháng thôi mà đã có 6 trường hợp. Trong đó chúng tôi được biết 03 trường hợp dương tính và 03 trường hợp đang chờ kết quả xét nghiệm của Viện Dịch tễ Tây Nguyên”.

Ngoài 02 trường hợp đã tử vong, 04 bệnh nhân còn lại đều đến từ huyện Tu Mơ Rông (xã Đăk Tờ Kan và xã Đăk Rơ Ông). Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Thị Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Kon Tum cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bùng phát dịch bệnh bạch hầu ở các địa bàn này là do người dân chưa được tiêm phòng vắc xin đầy đủ. Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Vân nói: “ Đa số những trường hợp này mắc vào lứa tuổi rất lớn, từ thời 1990, 1992 về trước. Thời điểm này điều kiện đang còn rất khó khăn, nhiều xã trắng về công tác tiêm chủng, những đối tượng này không được tiêm chủng và chính vì vậy họ mắc bệnh bạch hầu”.

Trước tình hình dịch bệnh bạch hầu tại một số địa phương trên địa bàn, Ngành Y tế tỉnh Kon Tum đang tăng cường công tác phòng dịch, kiểm soát bệnh không lây lan trong cộng đồng.

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *