(kontumtv.vn) – Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Kon Tum đã có 1 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A/H1N1 và 1 trường hợp dương tính với bệnh đang được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và Phòng chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum. Để hiểu rõ hơn các trường hợp mắc bệnh và tình hình phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh, phóng viên Đài PT – TH tỉnh đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ CKII Nguyễn Lộc Vương, giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum.

PV: Thưa bác sĩ, xin bác sĩ cho biết rõ hơn về trường hợp tử vong do nhiễm cúm A/H1N1 trên địa bàn tỉnh những ngày gần đây?

Bác sĩ CKII Nguyễn Lộc Vương: Trường hợp này, bệnh nhân nữ, 37 tuổi, ở thôn 1, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum. Khởi bệnh ngày 25/10/2019 với sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn. Người nhà bệnh nhân đưa bệnh nhân đi khám và điều trị tại các phòng mạch tư nhân trên địa bàn, không đỡ. Đến ngày 03/11/2019, bệnh nhân thấy khó thở nên đến khám và nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Qua xét nghiệm của Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1. Mặc dù được Bệnh viện tích cực điều trị nhưng đến ngày 08/11/2019 thì bệnh nhân tử vong do choáng nhiễm trùng, viêm phổi nặng cúm A/H1N1.

Bác sỹ Nguyễn Lộc Vương trả lời phỏng vấn của PV
Bác sỹ Nguyễn Lộc Vương trả lời phỏng vấn của PV

PV: Thưa bác sĩ, ngay sau khi cúm A/H1N1 xuất hiện và khiến 1 trường hợp bệnh nhân tử vong, ngành Y tế tỉnh Kon Tum đã triển khai các giải pháp gì để phòng chống sự lây lan của bệnh cúm trong cộng đồng?

Bác sĩ CKII Nguyễn Lộc Vương: Ngay sau khi nhận được thông tin ca bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã báo cáo Sở Y tế, phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố tiến hành khoanh vùng, xử lý ổ dịch tại thôn 1, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum với các biện pháp: Một là cách ly vùng ổ dịch, hạn chế đi lại. Hai là phun hoá chất Cloramin B xử lý ổ dịch. Ba là tổ chức khám sàng lọc để phát hiện sớm các ca bệnh mới nhằm cách ly, xử lý kịp thời. Bốn là lập danh sách tiếp xúc với ca bệnh để cách ly, theo dõi và lấy mẫu làm xét nghiệm. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã lấy 44 mẫu của 44 trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh để làm xét nghiệm, kết quả, ở thôn 1, xã Hòa Bình chưa phát hiện trường hợp mắc mới. Chỉ có 01 mắc mới do nằm gần bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện, hiện cũng đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện tỉnh. Với tinh thần tích cực, khẩn trương chống dịch, cho đến nay thì ổ dịch ở cộng đồng tại thôn 1, xã Hòa Bình không phát hiện trường hợp mắc mới, cơ bản được khống chế.

PV: Thưa bác sĩ, đến thời điểm này, trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 hiện đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và Phòng chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum đã có thể khẳng định bị lấy chéo từ bệnh nhân đã tử vong trước đó không?

Bác sĩ CKII Nguyễn Lộc Vương: Bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1 trong vòng 7 ngày được xác định là không đi đâu cho đến khi nằm điều trị tại Bệnh viện. Như vậy có thể khẳng định bệnh nhân bị lây nhiễm chéo trong Khoa.

PV: Trước sự việc 1 trường hợp đã tử vong do nhiễm cúm, người dân có cần quá lo lắng đối với sự bùng phát cúm A/H1N1? Và nhân đây, ngành Y tế tỉnh có khuyến gì đến người dân trong việc phòng, chống bệnh?

Bác sĩ CKII Nguyễn Lộc Vương: Năm 2009, bệnh cúm A/H1N1 cũng đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh. Gần đây, bệnh cũng đã xuất hiện tại một số tỉnh thành trong cả nước. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều có biểu hiện giống với hội chứng cúm mùa và thông thường sẽ khỏi trong vòng 1 tuần. Tuy nhiên, đối với một số đối tượng có nguy cơ cao như người già, người mắc các bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch, sức đề kháng kém thì bệnh có thể có các biến chứng nặng và tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Cúm A/H1N1 là bệnh có khả năng lây nhiễm cao và lây truyền nhanh, nhưng người dân cũng không nên quá lo lắng, nếu thực hiện tốt các khuyến cáo phòng chống bệnh cúm A/H1N1 của ngành Y tế. Thứ nhất là giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Hai là che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, sau đó vệ sinh ngay. Ba là tránh tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính. Khi cần tiếp xúc thì phải giảm tối đa thời gian tiếp xúc; giữ khoảng cách ít nhất 1 m và đeo khẩu trang y tế khi tiếp xúc gần. Bốn là tăng cường sức khỏe. Thường xuyên súc miệng bằng nước sát khuẩn miệng. Năm là tăng cường thông khí trong nhà ở, trong các cơ sở y tế, công sở bằng cách mở các cửa sổ, cửa ra vào; hạn chế sử dụng điều hòa. Sáu là nếu thấy có biểu hiện của hội chứng cúm, thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời. Bảy là bệnh cúm A/H1N1 đã có vắc xin phòng bệnh, khuyến cáo người dân nên chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh, đặc biệt cho những đối tượng có nguy cơ cao.

PV: Xin cảm ơn Bác sĩ đã nhận lời tham gia cuộc trao đổi hôm nay!

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *