(kontumtv.vn) – Nhờ chủ động các phương án phòng chống hạn trong mùa khô năm 2018-2019 nên tỉnh Kon Tum đã hạn chế thấp nhất thiệt hại do nắng hạn gây ra cho diện tích sản xuất nằm trong vùng quy hoạch.

Vụ Đông Xuân 2018-2019, trên cánh đồng gần 300 ha lúa ở xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum có đến 35 ha nằm trong lưu vực tưới của hồ chứa Tân Điền bị thiếu nước. Nguy cơ lúa giảm năng suất, thậm chí là mất trắng đe dọa đối với bà con nông dân. Trước thực trạng này, giải pháp bơm nước từ trạm bơm Vinh Quang đến kênh N4, sau đó tiếp tục bơm tiếp vào kênh N1, N2 tưới cho 35 ha này đã được Ban Quản lý Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh triển khai. Kết quả, bà con nông dân đạt lợi nhuận trên 30 triệu đồng mỗi ha lúa ở khu vực này. Ông Nguyễn Trung Thu (thôn 5, xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum) nói: “Nhờ được trạm bơm bơm từ sông lên tôi thu được 1 sào 1 tấn. Nếu không bơm nước thì một là mất trắng, hai là thu được 20% thôi“.

CO BAN HOAN THANH CONG TAC CHONG HAN VU DONG - XUAN

Để phục vụ cho sản xuất vụ Đông Xuân và phòng chống hạn trên địa bàn tỉnh mùa khô năm 2018-2019, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Kế hoạch số 3420 ngày 05/12/2018 về phòng, chống hạn hán, thiếu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2018-2019 trên toàn địa bàn. Trên cơ đó, các địa phương vận động bà con nông dân chuyển đổi từ cây lúa nước sang trồng các loại cây trồng khác ở những vị trí dự báo khô hạn. Công tác bảo quản, duy tu hồ đập, nạo vét kênh mương gắn với thực hiện điều tiết nước tưới hợp lý cũng được các địa phương chú trọng. Ban Quản lý Khai thác các Công trình thủy lợi tỉnh đã thực hiện sửa chữa 22 công trình thủy lợi và 2 hồ chứa với tổng kinh phí gần 4 tỉ đồng; đồng thời phương án tích nước đảm bảo công suất tưới đã được đơn vị thực hiện nghiêm túc. Ông La Phương Nghĩa, Ban Quản lý các Công trình thủy lợi tỉnh Kon Tum nói: “Nhờ thực hiện các phương án phòng chống hạn đã xây dựng, nên đến thời điểm hiện tại 175 công trình thủy lợi do đơn vị quản lý, vận hành, khai thác trên địa bàn toàn tỉnh đã đảm bảo cung cấp đủ nước và hoàn thành 100% diện tích hợp đồng năm 2018-2019. Hiện tại đơn vị đang tích cực sửa chữa, duy tu, bảo quản các công trình thủy lợi để đảm bảo công trình hoạt động an toàn trong mùa mưa lũ“.

Vụ Đông Xuân 2018-2019 tỉnh Kon Tum có diện tích gieo trồng cây hàng năm gần 11.000 ha, trong đó trên 7.300 ha lúa, gần 1.000 ha ngô, hơn 1.000 ha rau các loại, khoảng 1.300 ha mía, còn lại là các loại cây trồng khác. Mặc dù thời tiết nắng nóng, nhiều khe suối khô hạn nhưng nhờ chủ động triển khai phương án phòng chống hạn nên diện tích cây trồng vụ Đông Xuân nằm trong vùng quy hoạch của tỉnh ít bị ảnh hưởng đến năng suất.

Mặc dù kết quả công tác phòng chống hạn trong toàn tỉnh là khả quan, nhưng hiện vẫn còn trên 90 ha cây trồng tại các huyện Sa Thầy, Kon Rẫy và thành phố Kon Tum bị giảm năng suất từ 30-70%  do ảnh hưởng nắng hạn; trong đó hơn 70 ha lúa nước và trên 20 ha cà phê. Đây là diện tích không nằm trong vùng quy hoạch sản xuất của các địa phương. Ông Lê Thanh Hà,  Trưởng Phòng Phòng chống thiên tai, Chi cục Thủy lợi, sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum cho biết: “Nguyên nhân có 90 ha bị thiếu nước khô hạn cục bộ ở các đia phương là do(n) diện tích đó khai thác bên các khe suối nằm ngoài các công trình thủy lợi. Mùa khô những suối cạn đó mất nước sớm gây ra hạn hán và không có nguồn nước để cung cấp“.

Vụ Đông Xuân 2018-2019 đã khép lại, hiện nay, công tác sản xuất vụ mùa đã và đang được bà con nông dân triển khai. Sự chủ động ứng phó với thiên tai, với hạn hán và lũ lụt của tỉnh Kon Tum là cơ sở để người dân an tâm  sản xuất.

Văn Hiển – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *