(kontumtv.vn) – Phấn đấu đến năm 2020 tỉnh Kon Tum sẽ kiểm soát được an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm, hướng đến chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng  tốt yêu cầu phát triển và hội nhập, là mục tiêu đề ra tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác bảo đảm ATTP giai đoạn 2011-2015.

THUC PHAM

Thực hiện chiến lược quốc gia về bảo đảm ATTP, giai đoạn 2011-2015 tỉnh Kon Tum đã từng bước kiện toàn các cơ quan chức năng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân nâng cao nhận thức về ATTP. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đã được tỉnh chú trọng; kịp thời xử phạt, chấn chỉnh những sai phạm tại các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm, bếp ăn tập thể và dịch vụ ăn uống, góp phần ngăn ngừa các vụ ngộ độc xảy ra. Tuy nhiên, công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 vẫn còn nhiều hạn chế. Tỉnh chỉ đạt 7/19 chỉ tiêu đề ra. Trong đó một số chỉ tiêu đạt thấp như tỉ lệ chợ được quy hoạch và kiểm soát ATTP chỉ đạt trên 7%; vẫn còn 6 địa phương chưa có lò giết mổ gia súc tập trung và chỉ có 2/9 vùng sản xuất rau an toàn.

Về mục tiêu bản đảm ATTP đến năm 2020, hướng đến năm 2030, Hội nghị thống nhất phấn đấu đến năm 2020 tỉnh Kon Tum có 80-90% người tiêu dùng, cán bộ quản lý có kiến thức và thực hành đúng về ATTP. Từ 70 – 100% dịch vụ ăn uống, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm được cấp chứng nhận ATTP. Công tác ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm, kiểm nghiệm thực phẩm, cảnh báo về ATTP toàn tỉnh được nâng cao.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Nga yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo VSATTP tỉnh phát huy vai trò trách nhiệm được giao; đề nghị các sở ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chủ động giám sát tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; có biện pháp ngăn chặn, xử lý các trường hợp sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, trong chế biến thực phẩm. Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Chúng ta nói nhiều về ATTP nhưng quy chế phối hợp giữa 3 cơ quan Sở Nông nghiệp, Sở Công Thương, sở Y tế chưa có. Tôi đề nghị Sở Y tế chủ trì nội dung này. Sở Nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi; về lưu thông là sở Công Thương và cuối cùng là sở Y tế chịu trách nhiệm về ngộ độc thức ăn dẫn đến nhiều bệnh… Vấn đề này phải có quy chế phối hợp giữa 3 cơ quan về quản lý nhà nước”.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Nga yêu cầu các địa phương, các sở ngành tổ chức tốt tháng ATVSTP; đẩy nhanh tiến độ  xây dựng khu giết mổ gia súc tập trung; chú trọng thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm; chống hàng giả, hàng kém chất lượng như sữa, rượu bia, thực phẩm bẩn.

Văn Hiển – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *