(kontumtv.vn) – Nguy cơ cháy rừng cao và khả năng đến cuối vụ đông xuân 2015-2016 toàn tỉnh có khoảng 4.300 ha cây trồng thiếu nước tưới, hàng ngàn giếng nước và nhiều công trình nước tự chảy bị khô hạn là dự báo được thông qua tại Hội nghị trực tuyến phòng chống hạn do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Hải chủ trì vào chiều ngày 14/3/2016.

 Trên tinh thần không để cho dân thiếu nước sinh hoạt, không để cho dân đói và giảm thiểu tối đa thiệt hại, tại Hội nghị, UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo nhiều giải pháp chống hạn, phòng chống cháy rừng cấp bách để các địa phương triển khai thực hiện.

Hội nghị trực tuyến
Hội nghị trực tuyến triển khai công tác chống hạn

Tính đến ngày 13/3, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra khô hạn, thiếu nước trên diện tích gần 1.200 ha cây trồng. Bao gồm hơn 7.756 ha lúa, gần 430 ha cà phê, 3 ha bời lời, 5 ha rau màu, trên 1 ha hồ tiêu. Ngoài ra, có 4 công trình nước tự chảy bị cạn kiệt, trên 4.000 giếng nước bị khô hạn, thiếu nước. Nguyên nhân của thiệt hại là do nắng nóng kéo dài, mực nước tại các sông hồ tụt thấp. Cụ thể, mực nước trên các sông đạt thấp hơn so với cùng kỳ từ 0,5 – 1,5m. Riêng sông Đăk Bla mực nước đã xuống mức thấp nhất lịch sử. Nắng hạn cũng làm cho mực nước tại các hồ chứa lớn tụt thấp và nhiều hồ đập thủy lợi nhỏ cạn kiệt. Theo đó, gần 160.000 ha rừng nằm trong diện nguy cơ xảy ra cháy cao, nâng diện tích rừng có nguy cơ cháy toàn tỉnh lên trên 26%.

Trước thực trạng này, các huyện, thành phố đã chủ động triển khai các giải pháp như: Tiết kiệm nước tưới và điều tiết nước tưới cho cây trồng hợp lý. Biện pháp điều tiết nước tưới từ những công trình khác hay sử dụng máy bơm nước để chống hạn đã được nhiều huyện thực hiện. Khả năng hy sinh một số diện tích lúa nước để cứu diện tích cây công nghiệp cũng được tính đến. Đặc biệt, nhiều địa phương đã xuất ngân sách dự phòng để hỗ trợ người dân đảm bảo nước sinh hoạt bằng cách đưa nước xuống cho dân.

Tuy nhiên, công tác chống hạn cũng gặp nhiều khó khăn, như không còn nguồn nước để điều tiết, nhiều công trình hồ chứa, thủy lợi xuống cấp,  kinh phí hạn chế và người dân tự ý mở rộng diện tích gieo trồng không đúng quy hoạch. Đây cũng là đề xuất của các huyện, thành phố kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ giải quyết.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hải đánh giá cao nỗ lực của địa phương trong chống hạn, nhờ vậy đã giảm được thiệt hại. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh lưu ý người dân trên dịa bàn tỉnh sống chủ yếu bằng nông nghiệp, vì vậy chính quyền cần vào cuộc quyết liệt để giảm thiểu thiệt hại do hạn hán gây ra cho nhân dân. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương thực hiện tốt Công văn 816 của Tỉnh ủy và Chỉ thị 03 của UBND tỉnh về phòng chống hạn; đề nghị các địa phương hết sức cảnh giác, vì trong thời gian tới thiệt hại sẽ tăng cao. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: “Nhiệm vụ chống hạn là nhiệm vụ trung tâm số 1. Rà soát lại tất cả để có phương án hợp lý, đặc biệt là xử lý thiếu nước sinh hoạt. Đối với sản xuất, nắm chắc số liệu, tập trung cứu diện tích có khả năng, nằm trong lưu vực. Có chính sách hỗ trợ thiệt hại, giống, cây trồng, hỗ trợ cứu đói. Trên tinh thần không để cho dân đói, dân khát”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hải cho biết tỉnh sẽ sớm hỗ trợ kinh phí để các địa phương chống hạn, lưu ý các địa phương sử dụng kinh phí đúng mục đích. Trong thời gian tới các địa phương cần rà soát các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt để thực hiện quy hoạch có tính chiến lược, đảm bảo khắc phục bền vững tình trạng thiếu nước. Phải có chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng để chống hạn. Lưu ý phòng chống cháy rừng phải túc trực 24/24; kịp thời huy động lực lượng ứng cứu, không được chủ quan.

                                                          Văn Hiển – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *