(kontumtv.vn) – “Giảm khoảng cách giới và nâng cao vị thế của phụ nữ trong một số lĩnh vực có bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ bất bình đẳng giới cao, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới” là mục tiêu đề ra tại Hội thảo tham vấn xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, giai đoạn 2016-2020 do Sở LĐ-TB &XH tỉnh Kon Tum tổ chức.

Hội thảo về bình đẳng giới
Hội thảo về bình đẳng giới

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham gia thảo luận, góp ý đi đến thống nhất tham mưu UBND tỉnh triển khai kế hoạch hành động Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, duy trì và giữ vững tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng, nhiệm kỳ 2016-2020 trên 19%; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV, nữ đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021 từ 35% trở lên ở các vị trí quản lý, lãnh đạo. Phấn đấu đến năm 2020, có 25% số doanh nghiệp có phụ nữ tham gia lãnh đạo quản lý; 50% lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đạo tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật; tỷ lệ biết chữ của nam và nữ trong độ tuổi từ 15 đến 40 ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn đạt 95% trở lên; tỷ lệ nữ thạc sỹ và tương đương đạt 30%, nữ tiến sỹ và tương đương đạt 20%; đảm bảo tỷ số giới tính khi sinh không vượt quá 115 trẻ sơ sinh trai/100 bé gái; ít nhất có 50% trở lên phụ nữ mang thai được khám thai 3 lần trong quá trình mang thai và trên 90% phụ nữ bị nhiễm HIV/AIDS được điều trị; 100% nạn nhân bị bạo lực được tư vấn về pháp lý và sức khỏe, được hỗ trợ và chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình; 100% thành viên tổ biên tập xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến bình đẳng giới, bất bình đẳng được tập huấn kiến thức về giới, phân tích giới và lồng ghép giới. Bên cạnh đó, hàng năm, có 100% cơ quan truyền thông của tỉnh phát sóng các chương trình, chuyên mục để nâng cao nhận thức về bình đẳng giới; 100% cán bộ, công chức làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các cấp, ngành được tập huấn nghiệp vụ ít nhất 1 lần/ năm.

Để thực hiện các chỉ tiêu này, Hội thảo đã đề ra các giải pháp từ nay đến năm 2016 là: Tăng cường tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước có liên quan đến quyền lợi phụ nữ, nhằm đảm bảo cho phụ nữ có địa vị pháp lý ngang bằng với nam giới; đẩy mạnh việc lồng ghép công tác bình đẳng giới vào chương trình phát triển kinh tế – xã hội của mỗi địa phương và nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; quan tâm xây dựng, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý các cấp.

                                                                             Thu Thủy – Công Luận

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *