(kontumtv.vn) – Cùng với việc công bố cấp độ rủi ro do thiên tai hạn hán ở cấp độ 1, UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách trong công tác chống hạn, nhằm giảm nhẹ các thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuy vậy, trong tuần qua, mức độ thiệt hại do khô hạn vẫn tăng đáng kể, do ảnh hưởng đợt nắng nóng trên diện rộng ở Tây Nguyên.

Tính đến ngày 21/3, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã xảy ra khô hạn, thiếu nước tại một số khu vực với diện tích gần 1.270 ha, tăng gần 75 ha so với đầu tuần trước, trong đó diện tích lúa bị khô hạn tăng 66 ha. Hiện nay, tại các địa phương, các cấp chính quyền cùng với nhân dân đang tích cực bơm nước chống hạn cho gần 180 ha lúa. Số diện tích lúa không cứu được có khả năng mất trắng gần 600 ha.  Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hải chỉ đạo: “Đối với diện tích nào chúng ta có lưu vực, có nguồn nước, có khả năng cứu được thì tập trung mọi nguồn lực để ứng cứu kịp thời. Còn những vùng nào, những khu vực nào không có nguồn nước, không có lưu vực thì chúng ta khoanh lại và nắm chắc tình hình này để có sự hỗ trợ cho người dân khi thiệt hại, có chính sách hỗ trợ, cứu đói nhân dân nếu có xảy ra trên địa bàn tỉnh, cũng như hỗ trợ giống, cây trồng, các vật tư khác cho nhân dân chuẩn bị cho vụ mùa sắp đến”.

Nhiệt độ do đợt nắng nóng ở Kon Tum đã lên đến 38-390c
Nắng nóng ở Kon Tum cao nhất khu vực trong những ngày qua

Bên cạnh việc thiếu nước cho sản xuất, đến nay đã có 08 công trình nước tự chảy nguồn nước đầu mối cạn kiệt, suy giảm, không đủ cấp nước cho các hộ dân, tăng 4 công trình so với đầu tuần trước và có khoảng 3.900 giếng nước bị khô hạn, thiếu nước, tăng trên 150 giếng so với ngày 14/3. Hiện nay, ở một số vùng trọng điểm về thiếu nước sinh hoạt, không có khả năng tự san sẻ trong nhân dân, các cấp chính quyền địa phương đã lắp đặt bồn nước, vận chuyển nước về cung cấp cho nhân dân. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hải nói: “Đối với nước sinh hoạt, tỉnh đã chỉ đạo các huyện rà soát, nắm chắc lại các điểm cấp nước tập trung, nạo vét, thông dòng, thông tuyến, làm thế nào để cấp nước cho dân. Đối với nước giếng thì chúng ta nạo vét, đào khoét thêm để đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân. Đối với những vùng nghiêm trọng, thiếu nước thì chính quyền địa phương có trách nhiệm là chở nước để cung ứng kịp thời cho nhân dân, trên quan điểm chung là không để cho dân đói,  dân khát”

Do ảnh hưởng của đợt nắng nóng trên diện rộng ở Tây Nguyên, những ngày qua, nhiệt độ ở Kon Tum đã lên đỉnh điểm 38 – 390C, cao nhất trong khu vực và theo dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài trong 2-3 ngày tới. Ngoài việc đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân, phòng chống hạn cho cây trồng, công tác phòng chống dịch bệnh trong những ngày nắng nóng cần phải được quan tâm.

Quang Mẫn – Duy Phong 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *