(kontumtv.vn) – Là địa phương có lịch sử, văn hóa lâu đời, với đa dạng sắc thái các dân tộc, những năm qua, công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc luôn được các cấp, ngành tỉnh Kon Tum đặc biệt quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng và góp phần nâng cao đời sống  tinh thần của nhân dân.

Một trong những sự kiện nổi bật nhất gần đây, đó là Kon Tum đã đăng cai tổ chức thành công Liên hoan Nghệ thuật dân gian Tây Nguyên gắn với Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Kon Tum lần 3 năm 2016 vào trung tuần tháng 3 vừa qua. Với 16 sự kiện văn hóa – du lịch phong phú, đa dạng, có sự tham gia của trên 500 nghệ nhân đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên, Liên hoan Nghệ thuật dân gian Tây Nguyên gắn với Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Kon Tum lần 3 năm 2016 đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp. Các nghệ nhân của tỉnh không chỉ được giao lưu trình diễn cồng chiêng, được thể hiện những tài năng trong tạc tượng gỗ dân gian, chế tác nhạc cụ, chỉnh chiêng, mà còn là dịp để giới thiệu những lễ hội, những bản sắc, di sản văn hóa độc đáo của các dân tộc tỉnh Kon Tum còn lưu giữ và phát triển trong đời sống hiện nay. Đặc biệt trong dịp này đã có 43 nghệ nhân của tỉnh được vinh danh, trao tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú. Đây không chỉ là vinh dự lớn cho tỉnh mà còn là động lực quan trọng để tiếp tục giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong thời gian tới. Nghệ nhân A Tía (xã Măng Cành, huyện Kon Plông) xúc động: “Trước đây đi phục vụ rất nhiều lần. Đến nay được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, chúng tôi rất vinh dự. Sau này sẽ truyền dạy lại cho con cháu để phát huy truyền thống truyền văn hóa của cha ông để lại”.

Liên hoan Nghệ thuật dân gian Tây Nguyên gắn với Tuần
Liên hoan Nghệ thuật dân gian Tây Nguyên gắn với Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Kon Tum lần 3 năm 2016

Trong thời gian gần đây, các địa phương, cơ sở và ngành Văn hóa tỉnh Kon Tum đã tích cực hỗ trợ, khuyến khích, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian hàng năm ở các khu dân cư, trường học, tạo được sự chuyển biến đáng kể trong đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân.

Thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, các hoạt động tuyên truyền của các cấp, ngành, đến nay nhận thức của các tầng lớp nhân dân về việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số đã được nâng lên, nhất là trong thế hệ trẻ đã có chuyển biến tích cực. Những buổi truyền dạy cồng chiêng, truyền dạy dệt thổ cẩm, đan lát từ thế hệ này sang thế hệ khác vẫn được duy trì. Em A Cao (thôn Yang Roong, xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum) nói: “Trong làng thì thanh niên có người rất đam mê học cồng chiêng, do sợ bị mất truyền thống của dân tộc. Bây giờ bọn cháu cũng như mấy anh thanh niên, cũng rất cố gắng học để duy trì cái bản sắc tốt đẹp của làng và để cho đời sau duy trì nét văn hóa này”.

Xác định việc bảo tồn, gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp phát triển văn hóa, nâng cao đời sống nhân dân, thời gian qua, ngoài việc duy trì tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật dân gian hàng năm, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã thường xuyên cử cán bộ đi sưu tầm, phục dựng lại các lễ hội truyền thống, cũng như phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức các lớp truyền dạy về cồng chiêng, sử thi, đan lát… Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa truyền thống, đặc sắc của đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum đến với bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum, góp phần xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Quang Mẫn – Duy Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *