(kontumtv.vn) – Dịch sốt xuất huyết năm nay đến sớm hơn so với các năm trước và đang diễn biến phức tạp. Số ca mắc bệnh phải nhập viện điều trị tại các cơ sở y tế tỉnh Kon Tum tiếp tục tăng.

Dịch sốt xuất huyết chưa có dấu hiệu thuyên giảm cho đến thời gian hiện tại. Thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cho thấy, những ngày gần đây, trong tháng 8 này, trung bình mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận điều trị nội trú hơn 10 ca bệnh; trong đó, những ngày thấp nhất khoảng 7 ca và những ngày cao nhất, đỉnh điểm có thể lên tới gần 20 ca. Đa phần những bệnh nhân nằm điều trị nội trú tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh bị sốt xuất huyết ở tuýp 2, tuýp 3, tuýp 4.

Điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết
Điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết

Thống kê trong tháng 7, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum tiếp nhận gần 320 ca sốt xuất huyết. Số ca bệnh tiếp tục tăng trong 6 ngày qua, đã có hơn 80 bệnh nhân phải nhập viện điều trị. Chị Nguyễn Thị Hiền, người nhà bệnh nhân (thôn 02, xã Kon Đào, huyện Đăk Tô) nói: “Sốt nay là 6 ngày. Bữa sốt là em cho đi khám liền, đi xét nghiệm máu bảo là sốt xuất huyết, thế là mua thuốc về nhà uống. Uống xong thấy đỡ, đỡ 2, 3 ngày tưởng đâu khỏe thì hôm qua, hôm kia sốt lại, sốt nặng,. Thế là đưa xuống Bệnh viện nhập viện”.

“Tôi nhập viện từ bữa thứ 6, đến hôm nay là ngày thứ 6. Trong thời gian bệnh thì người lúc nào cũng mệt hết. Người lúc nào cũng lâng lâng. Đi đứng thì hơi khó khăn tý”. Anh Đoàn Nhật Tú, một bệnh nhân huyện Đăk Tô nói.

Sốt xuất huyết hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong nếu không được theo dõi, điều trị đúng phác đồ. Do vậy, các thầy thuốc khuyến cáo khi bị mắc sốt xuất huyết, người bệnh đến ngay các cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời. Bác sĩ CKII Lê Vũ Thức, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cho biết: “Bệnh sốt xuất huyết thường diễn biến nặng vào cuối ngày thứ 3 cho đến qua ngày thứ 6, thứ 7 của bệnh là giai đoạn nguy hiểm. Trong giai đoạn này người nhà bệnh nhân cần biết những dấu hiệu nặng như là bệnh nhân lừ đừ, li bì, nôn nhiều, đau bụng dữ dội, đau tức vùng gan, tiểu ít, có thể bệnh nhân chảy máu mũi, máu chân răng, đi cầu ra máu hoặc rong kinh, nếu có triệu chứng đó thì phải vào viện kịp thời, vào ngay tức khắc, khi có triệu chứng lúc nào vào ngay lúc đó. Chẳng hạn ban đêm có triệu chứng thì phải vào ngay, không để đến sáng hôm sau”.

Dịch sốt xuất huyết hiện đã bùng phát trên diện rộng. Để bảo vệ bản thân và những người xung quanh, người dân cần chủ động phòng, chống dịch bằng cách mắc màn khi ngủ, tích cực diệt loăng quăng, bọ gậy và nếu có dấu hiệu bị sốt xuất huyết, cần đến ngay các cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời.

Thu Trang – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *