(kontumtv.vn) – Tính đến hết 31/7/2017, tỉnh Kon Tum ghi nhận 162 ca bệnh sốt xuất huyết Dengue, không có ca tử vong, giảm 1.415 ca so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, riêng trong tháng 7, toàn tỉnh ghi nhận 19 ổ dịch sốt xuất huyết Dengue mới, với 60 trường hợp mắc, tăng 34 ca so với tháng trước. Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân số ca mắc sốt xuất huyết Dengue tăng cao trong tháng 7 và các giải pháp của ngành Y tế để hạn chế dịch bệnh sốt xuất huyết lây lan ra diện rộng. Phóng viên Đài PT – TH tỉnh có cuộc trao đổi với Bác sỹ CK I Nguyễn Thị Vân – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Kon Tum về vấn đề này.

PV: Theo số liệu trong tháng 7 toàn tỉnh ghi nhận 19 ổ dịch sốt xuất huyết, với 60 trường hợp mắc mới, tăng cao so với tháng trước. Vậy bà cho biết nguyên nhân vì sao trường hợp mắc sốt huyết tăng cao?

Bác sỹ CK I Nguyễn Thị Vân: Dịch sốt xuất huyết tăng cao trong tháng 7 này có rất nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất là hiện nay đang bước vào mùa mưa, điều kiện rất thuận lợi để muỗi Aedes aegypti hoạt động. Cũng do thời tiết mưa cho nên các dụng cụ chứa nước phế thải người dân chưa tự giác tổng dọn vệ sinh môi trường cho sạch sẽ. Chính vì vậy mà trong tháng 7 vừa qua mặc dù tỉnh đã triển khai từ đầu năm đến giờ rất quyết liệt về biện pháp phòng chống, nhưng đó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho bệnh sốt xuất huyết tăng cao. Nguyên nhân thứ hai là người dân chưa tự giác diệt lăng quăng, bọ gậy, tổ chức tổng dọn vệ sinh môi trường để thu gom các dụng cụ phế thải trong và xung quanh nhà, hoặc là đổ hết các dụng cụ chứa nước không cần thiết, đó cũng chính là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến sốt xuất huyết tăng cao hơn. Nguyên nhân thứ ba là do ý thức người dân hiện nay còn lơ là, chủ quan, chưa quan tâm đến các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn, thiếu sự hợp tác với ngành Y tế. Cho nên chính vì vậy trong thời gian qua bệnh sốt xuất huyết có tăng lên.

Bác sỹ CKI Nguyễn Thị Vân trả lời phỏng vấn của PV
Bác sỹ CKI Nguyễn Thị Vân trả lời phỏng vấn của PV

PV: Trước tình hình dịch sốt xuất huyết tăng cao như vậy thì ngành Y tế đã có những giải pháp như thế nào để hạn chế dịch bệnh lây lan ra diện rộng, thưa bà?

Bác sỹ CK I Nguyễn Thị Vân: Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tăng hơn trong tháng 7, ngành Y tế  đã có một số giải pháp như  tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh và ban hành những văn bản, kế hoạch chỉ đạo công tác phòng chống sốt huyết trên địa bàn. Đặc biệt từ ngày 15/8 đến 31/8, toàn ngành Y tế tổ chức một chiến dịch vệ sinh môi trường diệt lăng quăng, bọ gậy trên toàn tỉnh; đồng thời chỉ đạo cho trung tâm y tế các huyện, thành phố tăng cường các biện pháp giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để khoanh vùng và xử lý kịp thời không để dịch lan rộng, khi xác định đó là ổ dịch rồi thì chúng ta phải tiến hành xử lý ổ dịch kịp thời trong vòng 24 và 48 giờ. Tuyên truyền cho người dân biết được các dấu hiệu sớm khi phát hiện sốt xuất huyết kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống. Tổ chức tập huấn, phổ biến lại các quy định, các biện pháp hướng dẫn và công tác chẩn đoán điều trị bệnh sốt xuất huyết nhằm chẩn đoán đúng và điều trị đúng. Chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, hóa chất, cơ sở giường bệnh để thu dung bệnh nhân, đáp ứng kịp thời trong tình huống dịch xảy ra.

PV: Thưa bà, để người dân chung tay cùng với ngành Y tế thực hiện tốt công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết thì bà có khuyến cáo như thế nào đối với người dân?

Bác sỹ CK I Nguyễn Thị Vân: Để người dân cùng chung tay với ngành Y tế trong việc triển khai tốt công tác phòng chống sốt xuất huyết thì ngành Y tế có đưa ra một số khuyến cáo. Thứ nhất là hướng dẫn cho người dân đậy kín hết các dụng cụ chứa nước để cho muỗi không đẻ trứng. Hai nữa là hằng tuần phải thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn, nhỏ, vừa và lật úp hết các dụng cụ chứa nước không cần thiết;  thay nước bình hoa, hoặc bỏ muối, dầu vào các bát, kệ; hằng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên như lốp xe, vỏ dừa, vỏ lu bị vở, các phế thải chứa nước không cần thiết phải loại bỏ. Hướng dẫn cho người dân ngủ màng, mặc quần áo dài tay và dùng nhang muỗi để xua muỗi đốt. Tích cực phối hợp với ngành Y tế trong công tác phun hóa chất để phòng bệnh sốt xuất huyết và cũng như hướng dẫn cho người dân khi bị sốt phải đến ngay các cơ sở y tế để được các bác sỹ khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

PV: Vâng, cảm ơn bà về cuộc trao đổi này.

Ngọc Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *