(kontumtv.vn) – Thống kê của ngành Y tế tỉnh Kon Tum cho thấy, đến hết tháng 5/2019, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh tăng hơn 90 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Toàn tỉnh có 75 ổ dịch sốt xuất huyết. Để hiểu rõ hơn công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết cũng như nỗ lực của ngành Y tế tỉnh Kon Tum trong hạn chế mức thấp nhất sự lây lan các ổ dịch trong cộng đồng, phóng viên Đài PT – TH tỉnh đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ Nguyễn Thị Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, sở Y tế tỉnh.
PV: Thưa bác sĩ, xin bác sĩ cho biết nửa đầu năm 2019, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh diễn ra như thế nào? So với cùng kỳ năm 2018 có sự khác biệt ra sao?
Bác sĩ Nguyễn Thị Vân: Hiện nay Kon Tum cùng với cả nước cũng đang bước vào cao điểm của mùa dịch sốt xuất huyết. Bệnh sốt xuất huyết tính đến hết ngày 31/5/2019, hiện tại trên địa bàn tỉnh ghi nhận 129 ca và số mắc sốt xuất huyết hiện nay đang cao nhất là ở thành phố Kon Tum với 42 ca, tính đến nay không có trường hợp tử vong. Và đã có 06/10 huyện, thành phố có bệnh sốt xuất huyết xảy ra. So với tình hình bệnh sốt xuất huyết năm 2018 thì tăng 93 ca so với cùng kỳ năm 2018.
PV: Công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh được ngành Y tế tỉnh triển khai tích cực ra sao trong thời gian qua?
Bác sĩ Nguyễn Thị Vân: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã tham mưu cho Sở Y tế ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo công tác phòng chống sốt xuất huyết cũng như tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cũng ban hành những văn bản hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật để cho trung tâm các huyện, thành phố dựa vào các văn bản chỉ đạo để triển khai tốt. Các hoạt động để chủ động triển khai là hiện nay đơn vị đang triển khai giám sát tình hình dịch bệnh rất là chặt chẽ để báo cáo Sở Y tế để chỉ đạo kịp thời. Đặc biệt là giám sát chặt chẽ tại các ổ dịch có bệnh nhân sốt xuất huyết để chủ động 100% các ổ dịch đó được xử lý kịp thời trong vòng 24 giờ. Thứ hai là triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường trên địa bàn toàn tỉnh và tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền bằng hình thức trực tiếp tại hộ gia đình để người dân hiểu được cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết.
PV: Trong quá trình triển khai công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, ngành Y tế đã gặp những khó khăn gì?
Bác sĩ Nguyễn Thị Vân: Trong quá trình triển khai phòng chống sốt xuất huyết thì ngành Y tế cũng gặp những khó khăn. Khi mình triển khai công tác phòng chống dưới cộng đồng thì ý thức của người dân còn rất chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống sốt xuất huyết này. Họ chưa hợp tác với y tế để mà triển khai diệt lăng quăng/bọ gậy cũng như là tổng dọn vệ sinh môi trường. Một số địa phương, các xã, phường cũng chưa được quyết tâm, ví dụ như xã, phường, thị trấn, chính quyền cũng chưa được quan tâm quyết liệt lắm cho nên đôi khi tình hình sốt xuất huyết tại ổ dịch đó vẫn còn. Thứ tư về công tác phòng chống sốt xuất huyết, trong năm 2019, về kinh phí thì Trung ương không có nhưng ở tại địa phương thì mình cũng có khắc phục được là mình có hỗ trợ kinh phí để triển khai dự án phòng chống sốt xuất huyết này.
PV: Năm 2019 có thể nói là năm chu kỳ 03 năm của dịch sốt xuất huyết và cũng dự báo bệnh sốt xuất huyết sẽ tăng trong tháng 8, tháng 9 là những tháng cao điểm. Như vậy, trong thời gian tới, ngành Y tế tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp như thế nào nhằm hạn chế sự lây lan, bùng phát các ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh?
Bác sĩ Nguyễn Thị Vân: Ngành Y tế cũng phải kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch từ tỉnh xuống huyện, xã để làm tốt công tác chỉ đạo, điều hành chung, thống nhất chung các nội dung để triển khai công tác phòng, chống ở địa phương. Thứ hai là phải giám sát chặt chẽ các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn, trong đó, đặc biệt chú ý công tác phòng chống sốt xuất huyết đang vào đỉnh điểm cao như thế. Ngoài việc giám sát phải giao cho cán bộ y tế trực tiếp xuống phụ trách địa bàn cụ thể để hướng dẫn cho người dân công tác phòng chống sốt xuất huyết. Thứ ba là tăng cường công tác truyền thông, truyền thông trực tiếp cũng như truyền thông gián tiếp. Rồi tổ chức tập huấn, đào tạo lại chuyên môn, kỹ thuật để cho cán bộ y tế nắm rõ hơn cũng như phải nâng cao năng lực, kiện toàn lại đội chống dịch cơ động rồi chuẩn bị sẵn sàng thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị để làm tốt công tác phòng, chống dịch.
PV: Xin cảm ơn bác sĩ đã tham gia cuộc trao đổi hôm nay!
Thu Trang – Công Luận