(kontumtv.vn) – Bệnh  lao hiện là 1 trong những nguyên nhân gây tử vong cao nhất tại nước ta. Do vậy, tập trung thực hiện các giải pháp để ngăn ngừa và từng bước đẩy lùi bệnh lao là vấn đề đang được ngành Y tế quan tâm. Trong những năm qua, dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng tỉnh Kon Tum đã tập trung đẩy mạnh công tác phòng chống lao và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Ông Nguyễn Văn Bé (186 Bắc Kạn, thành phố Kon Tum) là một trong những bệnh nhân lao phổi đã được điều trị thành công. Có được sức khỏe như ngày hôm nay là nhờ ông đã kiên trì thực hiện theo đúng hướng dẫn của các y, bác sỹ trong quá trình điều trị bệnh. Ông Bé cho biết: “ Tôi được điều trị 8 tháng, trực tiếp ở bệnh viện 2 tháng, về trạm 6 tháng, Các cô ở trạm cho thuốc uống bắt đầu từ 8 giờ 30 đến 9 giờ, cho uống đều đặn đúng 6 tháng. Hiện nay sức khỏe tôi đã bình thường”.

Chăm sóc bệnh  nhân lao
Chăm sóc bệnh nhân lao

Trong những năm qua, ngành Y tế tỉnh Kon Tum đã tập trung đẩy mạnh việc quản lý, điều trị bệnh lao tại tuyến y tế cơ sở, giúp cho bệnh nhân mắc lao yên tâm trong quá trình điều trị. Từ năm 2012 đến nay, bình quân mỗi năm ngành y tế đã phát hiện trên 300 trường hợp mắc lao mới và gần 100% bệnh nhân mắc lao đã được điều trị khỏi. Đạt được kết quả này là nhờ hệ thống y tế cơ sở đã quan tâm theo dõi chặt chẽ bệnh nhân lao trong thời gian điều trị để bảo đảm hiệu quả điều trị, tránh kháng thuốc. Ông Bùi Trọng Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Kon Tum nói: “ Đơn vị thường xuyên tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế thôn làng trong vấn đề quản lý những người bị lao để giúp điều trị tốt. Chúng tôi cũng tổ chức tuyên truyền về những mức độ nguy hiểm của bệnh lao không phát hiện, hoặc phát hiện chậm, hoặc lao mà điều trị dang dở, để hạn chế tình trạng thất bại và bỏ trị’.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống lao trên địa bàn tỉnh, trong những năm qua, ngành Y tế nói chung, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh nói riêng đã xây dựng lộ trình, giải pháp thực hiện cụ thể, thiết thực. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm PCBXH tỉnh Kon Tum nói: “ Trung tâm lập kế hoạch triển khai xuống các tuyến ngay từ đầu năm, mạng lưới y tế được kiện toàn và củng cố. 100%  tuyến huyện và tuyến xã có cán bộ phụ trách. Cơ sở vật chất và trang thiết bị đáp ứng đủ nhu cầu khám chữa bệnh”.

Nhờ làm tốt công tác phát hiện và điều trị, nên bệnh lao trên địa bàn tỉnh Kon Tum đang giảm dần. Đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, để công tác phòng chống lao đạt được những kết quả cao hơn, ngoài sự nỗ lực của ngành Y tế, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành và các tổ chức chính trị xã hội. Có như vậy tỉnh Kon Tum mới thực hiện được mục tiêu giảm 50% số bệnh nhân hiện mắc lao so với ước tính năm 2000, tiến tới thanh toán bệnh lao ở Việt Nam vào năm 2030.

                                                                                  Thanh Tùng – Công Luận 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *