(kontumtv.vn) – Chiều 1/6, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum xác nhận trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại huyện Ia H’Drai. Sau khi phát hiện ổ dịch, ngành thú y và chính quyền địa phương đã triển khai các biện pháp dập dịch, cố gắng không để dịch lây lan. Hiện nay, tại Trạm Kiểm dịch động vật Sao Mai, thành phố Kon Tum đang tăng cường công tác phun thuốc khử trùng tiêu độc, phòng dịch tả lợn châu Phi lây lan.

“Dừng lại, phun thuốc chống dịch” là biển báo được đặt ở cửa ngõ phía Nam tỉnh Kon Tum, cách Trạm Kiểm dịch động vật Sao Mai khoảng 100 mét. Tất cả các phương tiện ô tô, xe tải lưu thông qua Trạm đều được lực lượng liên ngành chỉ dẫn dừng lại, lần lượt phun thuốc khử trùng tiêu độc, phòng dịch tả lợn châu Phi lây lan qua đường vận chuyển.

tang cuong giai phap kiem che

Bắt đầu từ ngày 28/05 đến nay, Trạm tiến hành phun thuốc khử trùng tiêu độc cho hơn 1.000 phương tiện trước khi vào thành phố Kon Tum. Ông Bùi Hưng Vượng, Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch Động vật Sao Mai, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Kon Tum cho biết: “Phối hợp làm việc giữa các ca là có lịch trực phân công rõ ràng. Trong lịch trực chia thành 3 ca, mỗi ca có 3 đơn vị phối hợp công an, quản lý thị trường và kiểm dịch kiểm tra các phương tiện vận chuyển và tiến hành phun thuốc cho các phương tiện vận chuyển. Còn người phun thuốc, trạm  chỉ đạo từ cấp trên hợp đồng người để phun thuốc”.

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch lây lan qua đường vận chuyển, lực lượng liên ngành thực thi nhiệm vụ tại Trạm Kiểm dịch động vật Sao Mai, thành phố Kon Tum đã chia thành 3 ca trực luân phiên 24/24 giờ hằng ngày. Tuy nhiên, với điều kiện thực tiễn còn nhiều khó khăn, công tác phun thuốc khử trùng tiêu độc vẫn không thể đảm bảo xuyên suốt 100%.

Trong 2 ngày 2/6 và 3/6, nhiều lần Trạm phải dừng phun thuốc tiêu độc khử trùng vì lượng xe lưu thông qua Trạm khá lớn mà nguồn nước không đáp ứng đủ nhu cầu. Khó khăn về nguồn kinh phí nên cán bộ Trạm Kiểm dịch phải trực tiếp thực hiện công tác phun thuốc tiêu độc khử trùng cùng nhân viên thời vụ được hợp đồng theo quy định. Chia sẻ thêm về những khó khăn tại đây, anh Lê Duy Linh, cán bộ Trạm Kiểm dịch động vật Sao Mai kể lại: “Về tài xế xe, có những người họ chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông thì họ vào để mình thực hiện tiêu trùng khử độc. Còn một số thì không chấp hành và chạy luôn nên mình không đảm bảo 100% khử trùng tất cả các phương tiện để phòng dịch”.

Để dịch tả lợn châu Phi không lây lan rộng trên địa bàn tỉnh, cần đặc biệt chú trọng công tác phòng dịch. Ngoài sự phối hợp của lực lượng liên ngành, rất cần sự quan tâm hơn nữa từ các cấp, các ngành. Đồng thời mọi người dân cần nâng cao ý thức trong việc phòng dịch lây lan và hiểu đúng về dịch tả lợn châu Phi, không quay lưng với sản phẩm từ thịt lợn đảm bảo an toàn.

Nguyễn Thu – Quang Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *