(kontumtv.vn) – Để chủ động ứng phó với bão số 4 (bão Noru) và mưa lũ trên địa bàn tỉnh, các huyện, thành phố và đơn vị liên quan đã tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực xung yếu, di dời người dân ở những nơi lũ dâng cao, có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do bão lũ gây ra.

Huyện Kon Rẫy đã khẩn trương, chủ động triển khai các phương án ứng phó với cơn bão số 4. Trên địa bàn huyện có hơn 200 hộ phải di dời; 104 hộ được hỗ trợ chằng chống nhà cửa, chủ yếu là những hộ sống gần ven sông, suối, nơi trũng thấp có nguy cơ ngập lụt do ảnh hưởng của cơn bão. Các xã, thị trấn đã tiến hành tuyên truyền đến  nhân dân về mức độ ảnh hưởng của bão số 4. Bên cạnh đó lực lượng xung kích ở các xã, thị trấn phối hợp với thôn tiến hành chằn chống nhà cửa đối với những căn nhà dễ sụp đổ; vận động hỗ trợ các hộ di  dời người và  tài sản đến nơi an toàn.

Huyện Kon Plông thành lập nhiều đoàn công tác đến các xã, thị trấn kiểm tra việc triển khai lực lượng, phương tiện và phương án ứng phó với bão số 4. Đặc biệt lưu ý các xã có nguy cơ sạt lở cao, lũ ống, lũ quét như Măng Bút, Ngọc Tem, Đăk Nên, Đăk Ring, Xã Hiếu, Pờ Ê. Các xã, thị trấn chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực trọng điểm, nhất là các khu vực dự báo mưa lớn, nguy cơ ngập sâu chia cắt để sẵn sàng sơ tán nhân dân, cứu nạn, đảm bảo an toàn. Các lực lượng xung kích của các xã, thị trấn kiểm tra, rà soát giúp người dân chằng chống nhà cửa, điểm trường học ở những khu vực không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; sẵn sàng phương án sơ tán dân đến nơi an toàn, đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng người dân trong mưa bão.

Tại huyện Tu Mơ Rông, Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống ứng phó bão số 4 của tỉnh đề nghị các địa phương tổ chức trực 24/24 giờ; huy động các lực lượng sẵn sàng tham gia ứng phó với các tình huống xảy ra; chủ động triển khai các phương án phòng, chống, ứng phó với mưa bão; thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình diễn biến của bão để kịp thời thông báo cho người dân chủ động phòng, chống; kiểm tra, rà soát các khu vực xung yếu; cảnh báo những khu vực có nguy cơ cao, kiên quyết di dời các hộ dân, nhất là người già và trẻ em nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân; chủ động về lương thực, thực phẩm để đảm bảo cho các tình huống xấu có thể xảy ra.

Tại huyện Đăk Glei, người dân đã gấp rút gia cố, chằng chống lại nhà cửa, đề phòng mưa lũ. Tại xã Đăk Kroong, cán bộ xã cùng nhân dân gia cố mái nhà bằng dây thừng, dùng bao cát chắn mái tôn, chặt bớt cành cây xanh. Đặc biệt tại các điểm xung yếu khu vực gần sông Pô Kô có người dân sinh sống, nguy cơ lũ dâng cao, gây sạt lở đất, chính quyền địa phương phân công lực lượng tuyên truyền vận động di dời về nơi an toàn. Huyện Đăk Glei chỉ đạo di dời người dân ở 15 khu vực thuộc 05 xã, thị trấn có nguy cơ ngập lụt về nơi an toàn. Các tuyến đường liên thôn và một số điểm có nguy cơ cao bị sạt lở tại Đèo Lò xo trên dường Hồ Chí Minh hiện tại có 59 phương tiện túc trực thông tuyến kịp thời. Bên cạnh đó, huyện tăng cường thông tin, tuyên truyền liên tục trên hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở về diễn biến của cơn bão, mưa lũ và công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả; hướng dẫn các kỹ năng ứng phó thiên tai để nhân dân biết, chủ động ứng phó.

Trên địa thành phố Kon Tum một số địa phương chủ động các giải pháp phòng chống bão số 4. Đặc biệt là các xã, phường khu vực ven sông, những vị trí thường xuyên xảy ra ngập lụt khi có mưa lớn, chính quyền địa phương hỗ trợ người dân di dời tài về nơi an toàn. Trước mắt, chính quyền địa phương hỗ trợ di dời một số tài sản có giá trị cao như ti vi, tủ lạnh, máy giặt, máy vi tính…Đồng thời, cắt cử lực lượng túc trực 24/24 tại các vị trí có nguy cơ ngập lụt, kịp thời nắm bắt thông tin về tình hình lũ bão để tiếp tục di dời người dân trong trường hợp cần thiết. Đối với các vùng nông thôn, chính quyền địa phương đã tuyên truyền người dân đưa gia súc, gia cầm của người dân về những nơi tập kết an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Với kinh nghiệm ứng phó từ đợt mưa, lũ năm 2018, huyện Ia H’Drai đã chủ động triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Hiện tại, các địa phương, cơ quan, đơn vị thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến của bão, tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp phòng tránh, ứng phó; vận động nhân dân sinh sống tại các khu vực ven sông, suối di chuyển đến nơi an toàn, chằng chống, gia cố nhà bè, lồng nuôi cá, di chuyển người, neo đậu phương tiện lên bờ để đảm bảo an toàn, tuyệt đối không ở lại lán, trại, nhà bè, nhất là thời điểm từ chiều tối 27/9. Bên cạnh đó, các lực lượng tổ chức trực ban 24/24 để kịp thời nắm bắt, báo cáo tình hình mưa, bão, triển khai công tác phòng chống, ứng phó. Ngành giáo dục triển khai cho học sinh nghỉ học từ hôm nay, các trường TH-THCS Nguyễn Tất Thành, Hùng Vương đã bố trí chỗ ăn, ở tại trường cho 180 học sinh nhà ở xa, đảm bảo quản lý tốt học sinh. Ngành y tế chuẩn bị thuốc, vật tư y tế sẵn sàng cứu chữa người dân. Các địa phương đã rà soát những nơi xung yếu như tuyến đường tuần tra biên giới, Tỉnh lộ 675A, các ngầm, cầu dân sinh, cầu tràn, cầu treo, những nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở… trên địa bàn để cảnh báo cho người dân.

 Nhóm CTV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *